Tiềm ẩn nguy cơ tái xung đột tại biên giới Trung - Ấn?

Thứ Sáu, 26/06/2020, 07:33
Mới đây, trong cuộc họp lần thứ 15 của Cơ chế làm việc tham vấn và phối hợp về các vấn đề biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, hai nước đã đi tới thống nhất giải quyết căng thẳng trên cơ sở hòa bình. Cuộc đàm phán trực tuyến lần này được giới chuyên gia đánh giá là thuận lợi. Tuy nhiên, loạt động thái sau đó của mỗi bên đã dấy lên những lo ngại về việc tiềm ẩn nguy cơ tái xung đột tại biên giới.


India Times ngày 25/6 dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, cuộc họp trực tuyến lần thứ 15 của Cơ chế làm việc tham vấn và phối hợp về các vấn đề biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, cả Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt Đường Kiểm soát Thực tế tại khu vực biên giới chung, tránh xảy ra tình trạng đối đầu bạo lực ở thung lũng Galwan như hôm 15/6 dẫn đến thương vong cho cả hai bên.

Bắc Kinh và New Delhi cũng tái khẳng định quan điểm của Ngoại trưởng hai nước là "chân thành thực hiện nhận thức chung về việc lui quân và giảm leo thang, đồng thời duy trì liên lạc cả ở cấp ngoại giao và quân sự, để giải quyết tình hình hiện tại một cách hòa bình". Đại diện Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) Ram Madhav khẳng định: "Chúng tôi muốn hòa bình với sự tôn trọng của mỗi bên, chứ không phải hòa bình dựa vào vũ lực".

Tuy nhiên, khác với những gì diễn ra tại cuộc họp nêu trên, cả Trung Quốc và Ấn Độ được cho là tiếp tục duy trì binh sĩ xung quanh thung lũng Galwan, đồng thời huy động thêm lực lượng tới khu vực biên giới tranh chấp. CNBC cho hay, các máy bay chiến đấu của Ấn Độ được nhìn thấy liên tục cất cánh từ một căn cứ quân sự ở khu vực Leh, một thị trấn gần khu vực tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Mặc dù đã nhất trí lui quân trên bàn đàm phán nhưng thực tế thì cả Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biên giới. Nguồn: Sputnik

Trong số này có các loại máy bay như Sukhoi-30MKI, Mirage 2000, Jaguar, trực thăng tấn công Apache. Về phía Trung Quốc, nước này cũng điều nhiều máy bay ném bom tới khu vực tranh chấp từ căn cứ không quân Hotan và Gar Gunsa, gần Đường Kiểm soát Thực tế.

Giới quan sát bình luận, dù các cuộc đàm phán Trung – Ấn được đánh giá là tích cực, song hai bên đến nay vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về những diễn biến căng thẳng mới. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Wu Qian cùng ngày lên tiếng: “Quân đội tiền tuyến Ấn Độ đã công khai vi phạm thỏa thuận mà nước này đã cam kết khi vượt qua đường biên giới thực tế và khiêu khích phía Trung Quốc". Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ đổ lỗi cho Trung Quốc đã dựng các cấu trúc “vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế”, bất chấp việc Ấn Độ đã yêu cầu phía Trung Quốc dừng lại.

Ấn Độ cũng cáo buộc binh sĩ Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng ở khu vực tranh chấp khi xây dựng các con đường mới và chặn một con sông, đồng thời cản trở việc binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại một số điểm mà hai bên từng nhất trí.

Do đó, căng thẳng biên giới Trung - Ấn hiện vẫn tiềm ẩn những rủi ro về một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp. Một nguồn thạo tin chia sẻ với tờ ANI rằng, không quân Ấn Độ đang có kế hoạch đẩy nhanh thương vụ mua 33 máy bay chiến đấu từ Nga, gồm 21 máy bay MiG-29 và 12 máy bay Su-30MKI. Cũng nhận định về nguy cơ xung đột quân sự tại biên giới Trung - Ấn, ông Harsh V. Pant, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Kings College, ở London, Anh, lại có quan điểm khác. 

Giáo sư này cho rằng, bất cứ cuộc xung đột quân sự nào trong khu vực này cũng sẽ đặc biệt khó xảy ra bởi nơi đây lạnh lẽo, quanh năm tuyết phủ và có độ cao trung bình 4.200m - gần gấp đôi độ cao có thể gây bệnh cho con người. Đồng quan điểm với giáo sư Pant, ông Aidan Milliff, chuyên gia về bạo lực chính trị và Nam Á tại Viện Kỹ thuật Massachusetts, Mỹ cho hay: “Trong chiến tranh biên giới Trung-Ấn 1962, một số đơn vị Ấn Độ đã bỏ qua quá trình thích nghi khí hậu và tiến thẳng tới tầm cao đáng kể ở Kashmir và Sikkim. Gần 15% binh sỹ trong các đơn vị đó đã bị phù nề phổi dẫn tới tử vong”.

Quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc trở nên căng thẳng vì vụ đụng độ hôm 15-6 giữa binh sĩ hai bên ở thung lũng Galwan, khu vực Ladakh, vùng Kasmir. Binh sĩ hai bên đã ẩu đả hơn sáu giờ đồng hồ bằng gậy gộc, thanh sắt và gạch đá. Ấn Độ xác nhận 20 binh sĩ của họ thiệt mạng, hàng chục binh sĩ bị thương, trong khi Trung Quốc tiếp tục tránh đề cập con số thương vong trong vụ đụng độ có thể coi là nghiêm trọng nhất hơn 40 năm qua ở biên giới hai nước.

Trước vụ việc này, làn sóng kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc đang ngày càng lan rộng. Giới chức Ấn Độ đã tạm dừng các dự án hợp tác với Trung Quốc với tổng giá trị hơn 600 triệu USD. Chính phủ Ấn Độ cũng để ngỏ kế hoạch tăng thuế đối với hàng trăm sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay Washington đang đối thoại với New Delhi và Bắc Kinh về vấn đề biên giới, đồng thời ngỏ ý sẽ giúp đỡ hai bên hòa giải. Tuy nhiên, Ấn Độ và Trung Quốc đã bác bỏ vai trò của bên thứ ba trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề biên giới.

Linh Đan (tổng hợp)
.
.
.