Thuyền trưởng tàu bỏ lại khối "bom phân bón" ở cảng Beirut lên tiếng
- Bốn cựu Thủ tướng Lebanon kêu gọi điều tra quốc tế vụ nổ ở Beirut
- Ai đem hàng ngàn tấn "bom phân bón" đến Beirut trước thảm kịch?
- Hé lộ nguyên nhân thảm kịch nổ kho hoá chất Beirut
Hơn 2.750 tấn chất hoá học ammonium nitrate trữ trong nhà kho tại cảng ở thủ đô Beirut đã phát nổ thành hai đợt vào chiều 4/8, khiến thủ đô Lebanon rung lên bần bật, cướp đi sinh mạng của ít nhất 157 người và làm hơn 5.000 người khác bị thương.
Thuyền trưởng Boris Prokoshev (trái) cùng thuỷ thủ trên tàu Rhosus khi nó bị bắt tại cảng Beirut. Ảnh: Reuters |
Nhà chức trách nói rằng khối ammonium nitrate, vốn là thành phần chính của phân bón nhưng cũng được dùng để chế tạo mìn, không thuộc sở hữu của Lebanon mà được giới chức nước này tịch thu từ tàu hàng Rhosus khi nó cập cảng Beirut cách đây 6 năm.
Boris Prokoshev, thuyền trưởng tàu Rhosus ngày 6/8 nói với Reuters rằng khi con tàu bị bắt giữ ở Beirut, nó vẫn ở trong tình trạng hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nhà chức trách Lebanon không chú ý đến khối ammonium nitrate, vốn được đóng trong những bao tải cỡ lớn trên tàu.
"Tôi thương tiếc những người (thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ nổ). Nhưng chính quyền địa phương, người Lebanon, nên bị trừng phạt. Họ không quan tâm đến khối ammonium nitrate", ông Boris Prokoshev nói.
Trước đó, cả Thủ tướng Lebanon Hassan Diab và Tổng thống Michel Aoun cũng đều nhấn mạnh rằng khối chất hoá học nói trên được lưu trữ tại kho ở cảng Beirut suốt 6 năm qua, nhưng không được bảo quản kĩ càng. Hiên một cuộc điều tra đang được tiến hành, trong khi những quan chức chịu trách nhiệm quản lý hàng hoá tại cảng đang được giám sát.
Hiện trường vụ nổ kho hoá chất ở cảng Beirut. Ảnh: ITN |
Nói thêm về lí do tàu Rhosus dừng chân ở Beirut, thuyền trưởng Prokoshev cho hay con tàu khởi hành tư Gruzia đi Mozambique. Khi qua khu vực, chủ tàu muốn nó cập cảng để chở thêm hàng hoá đến Jordan để kiếm thêm tiền trang trải.
Tuy nhiên, con tàu không bao giờ được rời Beirut. Giới chức Lebanon nói rằng họ cấm nó ra khơi do nó không có đủ giấy tờ và "điều kiện kĩ thuật cần thiết để vận tải hàng hoá". Theo lời Prokoshev, một cuộc chiến pháp lý sau đó nổ ra và con tàu bị chủ là Igor Grechushkin, một người gốc Nga đăng kí ở Cyprus, bỏ rơi.
"Họ đã quá tham lam", Prokoshev nói về những người điều hành con tàu từ mặt đất. Prokoshev đã cùng các thuỷ thủ duy trì hoạt động của tàu tại Beirut thêm 11 tháng từ khi nó bị bắt giữ. Năm 2014, họ được thả tự do, khối 2.750 tấn hoá chất được chuyển lên kho tại cảng Beirut. Về con tàu, năm 2018, luật sư của Prokoshev nói nó đã bị đắm.
Sau thảm kịch ngày 4/8, cánh truyền thông đã cố liên lạc với Igor Grechushkin và gia đình nhưng không thành. Theo AP, giới chức Ciprus dường như đã thẩm vấn ông Grechushkin.