Thủ tướng Đức: Thế giới sẽ được hưởng lợi từ cuộc gặp của lãnh đạo Nga-Mỹ

Chủ Nhật, 09/07/2017, 10:21
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng hoan nghênh cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhấn mạnh rằng thế giới sẽ chỉ có thể được hưởng lợi nếu mối quan hệ Nga-Mỹ được cải thiện.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh Reuters

"Tất cả mọi người sẽ được hưởng lợi nếu như giữa Mỹ và Nga có thể xây dựng được những đối thoại trực tiếp tốt đẹp và chân thực với nhau," Thủ tướng Đức nhấn mạnh trước báo giới trong buổi họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg. 

Thủ tướng Đức cho rằng thế giới vẫn còn phải đối mặt với một loạt các vấn đề mà chỉ có thể được giải quyết thông qua các nỗ lực chung của Nga và Mỹ, bao gồm cuộc khủng hoảng Syria, vấn đề giải giáp quân đội ở một số khu vực và tình hình xung quanh bán đảo Triều Tiên.

Nga và Mỹ đã không giải quyết được tất cả những khác biệt của họ trong các cuộc thảo luận song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, tuy nhiên, họ đã tạo cơ sở cho những đối thoại trong tương lai, bà Merkel nói. Thủ tướng Đức cũng bày tỏ hy vọng rằng một "mối quan hệ lành mạnh" cuối cùng sẽ phát triển từ sự trao đổi giữa ông Putin và ông Trump.

Các chính trị gia "nên nói chuyện nhiều với nhau hơn là nói về nhau", bà nói thêm.

Sự khác biệt giữa Berlin và Ankara

Bà Merkel thừa nhận rằng các cuộc đàm phán của bà với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không đạt được tiến bộ nào và nhấn mạnh "những mâu thuẫn sâu sắc" giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, bà Merkel đã ca ngợi sự đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ vào việc giải quyết khủng hoảng người tị nạn.

'Sự thỏa hiệp tối ưu' về biến đổi khí hậu

Thủ tướng Đức cũng ca ngợi sự sẵn sàng cho thỏa hiệp của các nhà lãnh đạo G20 và cho biết điều này đã được phản ánh trong bản thông cáo chung được công bố sau hội nghị thượng đỉnh tại Hamburg. Bà đặc biệt bày tỏ sự hài lòng với thực tế rằng tất cả các nước G20, ngoại trừ Mỹ, đã khẳng định lại cam kết của họ đối với việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tuyên bố của lãnh đạo G20 thực sự nhấn mạnh hiệp định Paris là "không thể đảo ngược" và khẳng định lại cam kết của các nhà lãnh đạo "nhanh chóng tiến tới việc thực hiện đầy đủ theo nguyên tắc chung nhưng dựa trên trách nhiệm và năng lực tương ứng".

Mặc dù Mỹ đã tuyên bố quyết định rút khỏi hiệp định, Washington đã cam kết "làm việc chặt chẽ với các nước khác để giúp họ tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hoá thạch một cách sạch sẽ và hiệu quả hơn và giúp triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo ".

Ông Putin cũng hoan nghênh Hiệp định về biến đổi khí hậu và nói rằng bà Merkel xứng đáng được tín nhiệm.

"Đức đã đạt được thoả thuận tối ưu trong tình huống khó khăn rất", nhà lãnh đạo Nga cho biết trong cuộc họp báo riêng của mình.

Sự thỏa hiệp này "là một kết quả tích cực có thể nhờ có sự nỗ lực của Thủ tướng Merkel", ông nói thêm.

Các nhà lãnh đạo G20 cũng xác nhận lại cam kết "chống buôn người nhập cư và buôn bán người" cũng như quyết tâm của họ để "hành động chống lại nạn buôn người và tội phạm buôn người".

Các nhà lãnh đạo cho biết họ cam kết "giải quyết các nhu cầu riêng biệt của người tị nạn và người di cư" cũng như "bảo vệ quyền con người của tất cả mọi người bất kể tình trạng của họ".

Nhưng họ nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia có "quyền chủ quyền để quản lý và kiểm soát biên giới của mình và trong vấn đề này để thiết lập các chính sách vì lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia".

Tuyên bố chung nhấn mạnh vai trò của thị trường mở và thương mại quốc tế và đầu tư như là "động lực quan trọng của tăng trưởng, năng suất, đổi mới, tạo việc làm và phát triển." Các nhà lãnh đạo G20 đã tuyên bố sẽ "tiếp tục chống lại chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm tất cả các hành vi thương mại không công bằng."

Duy Tiến
.
.
.