Thông điệp mạnh mẽ từ ý tưởng "NATO thương mại" đối trọng Trung Quốc

Thứ Ba, 29/06/2021, 09:06
Mới đây, các chính trị gia có quan điểm bảo thủ tại Anh và một nhóm vận động hành lang có liên hệ với Chính phủ Mỹ đã đề xuất thành lập một liên minh thương mại bên cạnh tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm đối trọng lại với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu bằng sức mạnh kinh tế.


Giới chuyên gia nhận định, dù họ nghi ngại về tính khả thi của ý tưởng, nhưng nó đã truyền đi một thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh.

Truyền thông quốc tế ngày 28/6 đồng loạt đưa tin về một đề xuất thành lập Tổ chức Hiệp ước liên minh các nền Dân chủ (DATO), nhằm đối trọng lại với Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Cụ thể, ý tưởng này được soạn thảo bởi Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc (China Research Group) - tập hợp các thành viên có quan điểm bảo thủ trong Quốc hội Anh và Tổ chức Công nghệ thông tin & Sáng kiến, chuyên phân tích chính sách công nghệ và khoa học có liên hệ với Chính phủ Mỹ cùng các công ty công nghệ lớn. 

Là một liên minh bên cạnh NATO, DATO sẽ áp dụng quy tắc tương tự như liên minh quân sự này, trong đó, khi một thành viên thuộc DATO bị cưỡng ép về kinh tế thì toàn bộ liên minh sẽ hành động để bảo vệ thành viên đó. Ví dụ, nếu Bắc Kinh đe dọa đưa các công ty của một quốc gia nào đó vào danh sách các thực thể không đáng tin, liên minh này sẽ hạn chế nhập khẩu từ các công ty Trung Quốc. 

Liệu liên minh "NATO thương mại" sẽ được hiện thực hoá? - Nguồn: Hinrichfoundation.

Tài liệu của China Research Group có đoạn: "Bất kỳ quốc gia dân chủ nào cũng sẽ được chào đón gia nhập. Nhưng nếu quốc gia nào không có các bước đi cần thiết để phản ứng sau khi quyết định gia nhập DATO, họ sẽ mất đi quyền thành viên". 

Theo China Research Group, đề xuất được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu bằng sức mạnh kinh tế, trong khi phương Tây chưa có một lập trường thống nhất để đối trọng lại với những động thái đáp trả bất chấp từ Bắc Kinh. 

Các tác giả của ý tưởng đã viện dẫn rằng, gần nhất, Australia đã hứng chịu các biện pháp hạn chế thương mại của Trung Quốc như cắt giảm nhập khẩu một loạt hàng hóa từ nước này như rượu vang, than đá, gỗ và lúa mạch, sau khi Canberra yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19. 

Chưa hết, Bắc Kinh đã đưa ra lệnh cấm vận để trả đũa Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu (EU), sau khi bị những bên này cáo buộc vi phạm nhân quyền tại phía Tây khu vực Tân Cương. Trước đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ phát triển hoà bình nhưng không làm ngơ trước các hành động đe dọa tới lợi ích và can thiệp vào vấn đề nội bộ của Bắc Kinh.

Giới chuyên gia đánh giá, dù DATO chưa nhận được bất kỳ sự hậu thuẫn chính thức nào, song nó cho thấy các nghị sĩ có quan điểm cứng rắn ngày càng kiên quyết hơn trong việc định hình chính sách với Trung Quốc. 

SCPM dẫn lời ông Stephen Olson, cựu quan chức đàm phán thương mại Mỹ phân tích: "Ý tưởng về một "NATO thương mại" được đem ra thảo luận phản ánh một thực tế, rằng các đối tác của Trung Quốc có sự thận trọng nghiêm túc trong trao đổi thương mại với nước này. Họ nghi ngại về những lợi ích thực chất của mỗi bên". 

Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin và là cố vấn tại Hội đồng Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh, bất kỳ kế hoạch nào nhằm xây dựng thêm các liên minh đối phó với Bắc Kinh "sẽ đều không tốt cho Trung Quốc", thậm chí cả khi nội dung chi tiết về đề xuất này vẫn còn mơ hồ. 

"Về nguyên tắc, điều gây bất lợi với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là các nước NATO hầu hết tin rằng họ không thể phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, bằng không họ có thể bị rơi vào tình thế như Australia và Canada ở hiện tại" - ông Shi nói.

Đưa ra nhận định ở một góc nhìn khác, nghị sĩ Mỹ Mitt Romney cho rằng, nguyên tắc nhất quán của những nước ủng hộ DATO là điều rất bất lợi với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc hiện thực hoá ý tưởng này là một vấn đề phức tạp hơn. Đồng quan điểm với ông Mitt Romney, Rebecca Christie, một học giả tại tổ chức nghiên cứu Bruegel (Bỉ) cho rằng sẽ rất khó khăn để có được sự thống nhất trong các nền dân chủ phương Tây. 

Bà Rebecca khẳng định: "Thật khó có cách nào để khiến tất cả mọi người đều nhất trí. Họ có thể nói rằng hãy thành lập một liên minh đối trọng Trung Quốc rồi tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên.Nhưng quyết định cuối cùng thì không ai dám chắc, bởi họ hiểu rõ có cả rủi ro và cơ hội trong quan hệ với Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2021 lên 8,5%, cao hơn mức 7,9% so với dự báo trước đó. Cụ thể, phần lớn động lực tăng trưởng của Trung Quốc đến từ xuất khẩu thiết bị điện tử như màn hình smartphone, máy tính, máy chơi game. Ngoài ra, chi tiêu chính phủ dành cho cơ sở hạ tầng cũng là một động lực phục hồi khác của nền kinh tế Trung Quốc.

Linh Đan
.
.
.