Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa căn cứ, Mỹ ngậm ngùi chuyển chiến trường đánh IS

Thứ Ba, 02/08/2016, 14:33
Trong khi chiến dịch không kích tại Iraq và Syria đang gặp bất lợi lớn sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đóng cửa căn cứ không quân Incilik, thì Mỹ đã lại mở một mặt trận mới trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)



Ngày 1-8, máy bay chiến đấu Mỹ đã ném bom các mục tiêu của IS tại Lybia sau lời kêu gọi của chính phủ  được Liên Hợp Quốc công nhận tại đất nước Bắc Phi này.

Thủ tướng Lybia Fayez Seraj tuyên bố trên truyền hình nhà nước rằng "Các cuộc không kích đầu tiên được thực hiện tại các địa điểm cụ thể thuộc thành phố Sirte ngày hôm nay (1-8) đã gây ra thiệt hại đáng kể cho kẻ thù (IS)" .

Những binh lính thuộc nhóm vũ trang đồng minh với chính phủ Lybia chiến đấu chống IS tại Sirte. Ảnh: Reuters.

Thành phố Sirte là quê hương của cố Tổng thống Lybia Muammar Gaddafi, lực lượng đồng minh của ông Seraj đã chiến đấu chống IS tại đây từ tháng 5. Các cuộc không kích của Mỹ được sự cho phép từ Tổng thống Obama.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết các cuộc không kích đã phá hủy một xe tăng và nhiều phương tiện của lực lượng khủng bố tại thành phố Sirte. Ông Cook không cho biết thời điểm kết thúc chiến dịch không kích này. Theo ông Cook tại Sirte có hàng trăm thậm chí là trên dưới 1.000 tay súng thuộc IS, tuy nhiên không đề cập đến số dân thường hiện đang kẹt trong thành phố

Lần gần đây nhất Mỹ không kích tại Lybia là vào tháng 2-2016 với mục tiêu là một trại huấn luyện của IS ở phía tây thành phố Sabratha. Cuộc không kích vừa qua là lần thứ ba kể từ năm 2011, Mỹ tiến hành không kích chống lực lượng IS tại Lyrbia. Nhưng theo các quan chức Mỹ lần này, sẽ đánh dấu một chiến dịch quân sự kéo dài chứ không phải là hành động đơn lẻ như hai lần trước.

Mặc dù không bao gồm việc sử dụng các lực lượng mặt đất trừ những nhóm nhỏ lực lượng đặc biệt chỉ hoạt động tại Libya trong thời gian ngắn và máy bay không người lái thu thập thông tin tình báo, chiến dịch trên không này mở một mặt trận mới trong cuộc chiến chống lại IS vốn được Mỹ xem xét thành phần nguy hiểm nhất bên ngoài Syria và Iraq.

Lybia chìm sâu vào bất ổn sau biến cố lật đổ ông Gaddafi vào năm 2011. Đất nước này thậm chí đã rơi vào bờ vực bị chia cắt bởi các thế lực quân sự cát cứ, và từng tồn tại hai chính phủ ở cả Tripoli và Bengazi. Lợi dụng tình hình đó IS đã thâm nhập và chiếm cứ nhiều địa điểm tại đây.

Hậu Nghệ (theo Reuters, RT)
.
.
.