Tân Thủ tướng Anh và triển vọng quan hệ Anh-Mỹ

Thứ Hai, 29/07/2019, 07:52
Liên quan tới kế hoạch hộ tống tàu qua Eo biển Hormuz, trong khi Pháp và Đức nhấn mạnh đây là một sứ mệnh hoàn toàn độc lập thì Anh cho rằng, hoạt động này cần sự hỗ trợ của Mỹ. 

Điều này cho thấy châu Âu đang chia rẽ sâu sắc quanh kế hoạch trên, nhưng nó cũng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự xích lại gần hơn nữa giữa nước Anh dưới thời tân Thủ tướng Boris Johnson với Mỹ.

Mối quan hệ giữa hai nước đồng minh lâu năm Anh – Mỹ đã suy yếu dần dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Thủ tướng Anh Theresa May, và thực sự chạm đáy khi Đại sứ Anh tại Washington Kim Darroch từ chức sau khi làm rò rỉ những bức điện mật mà trong đó nhận xét chính quyền của Tổng thống Donald Trump là “thiếu năng lực”. 

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tân Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Donald Trump được ca tụng là cơ hội để thiết lập lại “mối quan hệ đặc biệt” giữa Anh và Mỹ. 

Theo ông Nile Gardiner, từng là cố vấn của cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và hiện đang làm việc cho Quỹ Di sản - một cơ quan tham mưu có quan điểm bảo thủ của Mỹ, ông Johnson - người được sinh ra ở New York – “đại diện cho một quan điểm thân Mỹ rất rõ ràng và ủng hộ một liên minh xuyên Đại Tây Dương”. 

Ông Gardiner nói: “Chúng ta sẽ được thấy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ nhất giữa hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Anh kể từ thời ông Ronald Reagan và bà Margaret Thatcher”. 

Tân Thủ tướng Boris Johnson.

Trong khi đó, ông Ian Bremmer, người đứng đầu Eurasia Group, công ty chuyên phân tích rủi ro chính trị toàn cầu, nói: “Nhìn chung, họ là những “đồng hương” về ý thức hệ, đều thuộc phe cánh hữu, có xu hướng dân túy nhiều hơn, chống lại các quan điểm chính trị đúng đắn và chống lại các nguyên tắc truyền thống của xã hội”. Tuy nhiên, ông Bremmer cũng nhấn mạnh rằng, nếu nhìn nhận kĩ càng hơn thì mối quan hệ của họ “rất thiếu ổn định và không đáng tin cậy”. 

Ông Bremmer nói: “Ông Boris Johnson và ông Donald Trump có tính cách giống nhau và có cùng xu hướng đối với giới truyền thống. Cả hai đều không có một hệ tư tưởng và đều quan tâm đến bản thân mình nhiều hơn là các vấn đề xung quanh”. 

Sự phân tích này dường như đã được chứng minh khi chính Tổng thống Mỹ đã ngợi ca ông Boris Johnson là “Donald Trump của nước Anh” khi ông Boris Johnson giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành tân Thủ tướng Anh hôm 23-7. 

Ông Donald Trump viết trên trang Twitter: “Ông ấy (Boris Johnson) sẽ rất tuyệt”. Sự nhiệt tình này trái ngược hoàn toàn so với những lời nhận xét của Tổng thống Mỹ về người tiền nhiệm của ông Boris Johnson - bà Theresa May, người mà ông từng nhắc đến trong một tweet trước đó là đã “làm rất tồi” khi xử lý vấn đề Brexit.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này trước giờ cũng không phải là luôn suôn sẻ. Năm 2015, khi ông Donald Trump đang tranh cử vào Nhà Trắng và tuyên bố rằng không nên tới một vài khu vực ở London vì những phần tử Hồi giáo quá khích, ông Boris Johnson, khi đó là Thị trưởng London, đã đáp trả lại bằng cách nói rằng ông sẽ không đi đến một vài khu vực ở New York bởi “có nguy cơ chạm trán với Donald Trump”. 

Kể từ khi đó, ông Boris Johnson, từng làm Bộ trưởng Ngoại giao Anh trong khoảng thời gian ngắn, thường giữ khoảng cách với nhà lãnh đạo Mỹ, kể cả trong vụ việc liên quan tới những lời lẽ công kích gần đây của ông Donald Trump về 4 nữ nghị sỹ Quốc hội Mỹ - hành động bị lên án là “phân biệt chủng tộc”. Ông Boris Johnson cũng phản đối Tổng thống Donald Trump về vấn đề Iran, thậm chí, năm ngoái ông còn dẫn một đoàn đại biểu sang Washington để cố gắng thuyết phục người đứng đầu Nhà Trắng không rút khỏi thỏa thuận 2015 để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran nhưng không đạt được kết quả. Trong tuần qua, Iran đã làm mối quan hệ “"đặc biệt” giữa Anh và Mỹ thêm căng thẳng sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rõ ràng rằng, Washington coi việc Tehran bắt giữ tàu chở dầu của Anh ở vùng Vịnh là vấn đề của Anh chứ không phải của Mỹ.

Mặc dù Tổng thống Mỹ đưa ra lời hứa về một thỏa thuận thương mại “phi thường” với Anh hậu Brexit - một lời đề nghị mà ông Johnson đã dùng để thuyết phục những người ủng hộ ông rằng “ly hôn” với châu Âu sẽ không phải là một thảm họa, song các cuộc đàm phán giữa hai bên có thể sẽ không dễ dàng gì. 

Chuyên gia Luigi Scazzieri, làm việc tại Trung tâm Cải cách châu Âu ở London, đã nói: “Mặc dù hai nhà lãnh đạo này có thể giống nhau về tính cách, nhưng lợi ích của họ thì lại khác nhau. Tham vọng của ông Johnson trong việc kí kết một thỏa thuận thương mại với Mỹ có lẽ sẽ bị bản năng nước Mỹ trước tiên của ông Trump dập tắt”. 

“Tổng thống Donald Trump không chắc sẽ nhượng bộ Anh trong một cuộc đàm phán thương mại, thay vào đó, ông sẽ tìm cách tăng tối đa lợi ích cho nước Mỹ bằng cách ép buộc Anh mở rộng lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ y tế - một đề nghị có thể khiến hai nước không thể đi đến một thỏa thuận nào cả”, theo vị chuyên gia trên.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.