Syria không còn chiến tranh, nhưng cũng chẳng có hòa bình

Thứ Tư, 31/03/2021, 14:46
Sau 10 năm xung đột, Syria đang dần chuyển sang tình trạng "không còn chiến tranh, nhưng cũng chẳng có hòa bình", theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres.

"Giải pháp quân sự không phải là cách giải quyết cuộc xung đột ở Syria, còn tình hình hiện nay tại đây đang tiếp diễn theo hướng "không còn chiến tranh, nhưng cũng chẳng có hòa bình"", Tổng Thư ký Antonio Guterres ngày 30/3 phát biểu về Syria trong một cuộc họp của Đại hội đồng LHQ nhân dịp 10 năm xung đột nổ ra tại quốc gia Trung Đông, TASS đưa tin.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: AP

Người đứng đầu cơ quan LHQ nhấn mạnh, sau một thập kỉ xung đột, tình trạng "quản lý yếu kém, khủng hoảng tài chính khu vực, các lệnh trừng phạt và đại dịch COVID-19, đã dẫn đến suy thoái kinh tế của Syria và tỷ lệ đói nghèo tăng vọt".

"Không còn chiến tranh, nhưng cũng chẳng có hòa bình" ở Syria có thể hiểu là tình trạng các cuộc chiến giữa các phe đối địch không còn ác liệt như trước, song mâu thuẫn giữa các bên vẫn âm ỉ, chưa thể hóa giải bằng con đường đối thoại; người dân vẫn chưa thể trở lại nhà cửa, chưa thể tái thiết cuộc sống.

"9/10 người Syria hiện đang sống trong cảnh nghèo đói, với 60% dân số có nguy cơ bị đói trong năm nay - con số cao nhất chưa từng có trong lịch sử xung đột Syria", Tổng Thư ký Guterres cảnh báo. "Syria là cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế giới".

Để hạ nhiệt vấn đề Syria, theo một cơ chế đặc biệt được LHQ hậu thuẫn, trung bình 1.000 xe hàng cứu trợ đã được điều động đến tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria – nơi phần lớn người tị nạn Syria sinh sống, qua đường Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp nhu yếu phẩm thường xuyên cho 2,4 triệu người.

Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ. Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh, bất chấp nỗ lực "mạnh mẽ và liên tục", LHq vẫn chưa thể thiết lập các tuyến viện trợ khởi hành từ thủ đô Damascus của Syria đi vùng Tây Bắc.

Người Syria đang sống trong cảnh cùng cực vì hậu quả để lại của chiến tranh. Ảnh: AP

Ông Guterres kêu gọi duy trì cơ chế hiện có trên của LHQ nhằm đảm bảo cung cấp viện trợ cũng như sớm phân phối vaccine COVID-19 cho người dân Syria, trong bối cảnh các cường quốc còn bất đồng về cách thức thực hiện cơ chế trên.

Tổng Thư ký LHQ cũng đã kêu gọi quyên góp 10 tỷ USD giúp Syria và người tị nạn tại các nước láng giềng. "Trong 10 năm qua, người dân Syria đã chứng kiến cảnh chết chóc, phá hủy, sơ tán và nghèo khổ. Và mọi chuyện đang ngày càng tồi tệ hơn", ông nhấn mạnh.

Syria lâm vào nội chiến năm 2011 sau khi làn sóng Mùa xuân Arab tràn qua nước này. Năm 2014, với sự trỗi dậy của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq, Chính phủ Syria mất gần như toàn bộ lãnh thổ vào tay các nhóm phiến quân và khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Năm 2014, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu khởi động chiến dịch chống IS trong lãnh thổ Syria, đồng thời hậu thuẫn dân quân người Kurd chiến đấu chống Chính phủ Syria.

Tháng 9/2015, Nga khởi động chiến dịch tấn công khủng bố tại Syria theo lời đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và hẫu thuẫn chính trị cho ông này. Ngoài Nga, Damascus cũng nhận trợ giúp từ Iran và các nhóm dân quân đồng minh như Hezbollah.

Đến năm 2017, IS và các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan đã cơ bản bị đẩy lùi khỏi Syria. Chính quyền của ông Assad giành lại quyền kiểm soát phần lãnh thổ rộng lớn ở bờ Đông Sông Euphrates; dân quân thân Mỹ kiểm soát khu vực bờ Tây. Các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan co cụm ở tỉnh Tây Bắc Idlib.

Song song với cuộc chiến chống khủng bố, Nga là nước tích cực nhất thúc đẩy các giải pháp chính trị ở Syria. Tháng 1/2018, tại hội nghị hòa bình Syria do Nga tổ chức, các bên đã ký kết một thỏa thuận về việc thành một Ủy ban gồm 150 thành viên để soạn thảo hiến pháp mới của Syria.

Tuy nhiên, gần hai năm sau, cuối năm 2019, các bên mới thống nhất được thành phần của ủy ban hiến pháp. Ủy ban này đã nhóm họp một số lần trong hai năm qua, nhưng kết quả thu lại không đáng kể. Hàng triệu người Syria vẫn đang mòn mỏi chờ đợi một cuộc bầu cử tự do mới, vốn chỉ được tiến hành sau khi có hiến pháp mới.

Thiện Nhân
.
.
.