“Sóng lớn” ở Liên hợp quốc

Thứ Bảy, 23/12/2017, 09:36
Ngày 21-12 (theo giờ Mỹ), với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết phủ nhận tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Jerusalem là thủ đô của Israel.

Ngay lập tức, chính quyền Washington tuyên bố sẽ cắt giảm viện trợ tài chính cho các quốc gia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này.

Sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã mời đại diện của 8 nước bỏ phiếu trống, 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và 21 quốc gia không tham gia bỏ phiếu tham dự một cuộc gặp mặt để “tiếp nhận sự cảm ơn vì tình hữu nghị với Mỹ”.

Tại đây, Đại sứ Mỹ Nikki Haley nói: “Mỹ sẽ nhớ mãi ngày này, ngày của sự tấn công tại Đại hội đồng LHQ nhằm vào chủ quyền của một quốc gia. Chúng tôi sẽ nhớ ngày này khi có những tiếng nói kêu gọi Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của LHQ.

Chúng tôi cũng sẽ nhớ ngày này khi có quốc gia nào đó kêu gọi chúng tôi đóng góp nhiều hơn, sử dụng tầm ảnh hưởng của chúng tôi để phục vụ cho lợi ích của họ. Mỹ sẽ vẫn đặt Đại sứ quán tại Jerusalem”.

Đồng thời, bà Nikki Haley cũng đã nhắc lại lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump đưa ra hôm 20-12 rằng Mỹ sẽ cắt giảm viện trợ tài chính cho các quốc gia bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết của LHQ kêu gọi Washington rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết, Mỹ sẽ cắt giảm viện trợ tài chính cho các quốc gia ủng hộ nghị quyết của LHQ về Jerusalem. Ảnh: Al-Jazeera.

Đại sứ Mỹ tại LHQ cho biết: “Khi chúng tôi đóng góp nhiều vào LHQ, chúng tôi kỳ vọng rằng thiện chí của chúng tôi được công nhận và tôn trọng. Khi một quốc gia bị chọn là “trung tâm” của một cuộc tấn công trong tổ chức này, quốc gia đó có thể yêu cầu thanh toán cho các đặc quyền của mình.

Trong trường hợp Mỹ, chúng tôi được quyền yêu cầu trả nhiều hơn bất cứ ai khác vì những đóng góp của mình. Không giống như LHQ, chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm trước người dân và có nghĩa vụ phải thừa nhận khi nào vốn chính trị và tài chính đang bị chi tiêu với hiệu quả thấp. Chúng tôi có quyền đòi hỏi nhiều hơn cho đầu tư của chúng tôi và nếu đầu tư của chúng tôi không thành công, chúng tôi có nghĩa vụ chi tiêu các nguồn lực của mình theo những cách khác, hiệu quả hơn”.

Hãng tin Washington Examiner cho biết, cuộc bỏ phiếu được tiến hành trong một phiên họp bất thường của Đại hội đồng LHQ hôm 21-12 (theo giờ Mỹ). Tại đây, 128 nước thành viên LHQ đã bỏ phiếu tán thành với dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, 9 nước bỏ phiếu chống, 35 phiếu trắng và 25 nước không bỏ phiếu (do cuộc bỏ phiếu là không bắt buộc). 

9 quốc gia phản đối nghị quyết của LHQ gồm Guatemala, Honduras, Israel, Marshall Islands, Micronesia, Nauru, Palau, Togo và Mỹ. Phiên họp khẩn của Đại hội đồng LHQ được thực hiện sau khi Mỹ dùng quyền phủ quyết của mình trong cuộc bỏ phiếu dự thảo nghị quyết về quy chế Jerusalem tại Hội đồng Bảo an hôm 18-12. 

Theo tin từ hãng AP, phiên họp khẩn được triệu tập theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen, thay mặt nhóm nước Arab cũng như tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). 

Trong hơn 2 tiếng đồng hồ, đại diện của nhiều nước và nhóm nước đã có các bài phát biểu nhấn mạnh việc cần phải duy trì nguyên trạng vấn đề tình trạng của Jerusalem theo tinh thần của các nghị quyết của LHQ và thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông thông qua đàm phán trực tiếp giữa người Israel và người Palestine. 

Nghị quyết tái khẳng định rằng “bất cứ quyết định và hành động nào nhằm làm biến đổi đặc điểm, quy chế và thành phần nhân khẩu học của thánh địa Jerusalem đều không có hiệu lực pháp lý và phải bị hủy bỏ, phù hợp với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ”. 

Nghị quyết cũng “kêu gọi tất cả các quốc gia không thiết lập phái bộ ngoại giao tại thánh địa Jerusalem” và yêu cầu tất cả nước thành viên của LHQ tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về Jerusalem và không công nhận bất cứ hành động hoặc biện pháp nào đi ngược lại những nghị quyết này.

Giới quan sát nhận định, nghị quyết mới của LHQ tuy không mang tính ràng buộc nhưng số lượng phiếu ủng hộ phản ánh quyết tâm chung cũng như thể hiện tầm ảnh hưởng chính trị của cộng đồng quốc tế. Nghĩa là, có vẻ như Mỹ đang dần đơn phương trong vấn đề Jerusalem ở LHQ. 

Điều này được dự báo sẽ tạo nên “những cơn sóng lớn” trên chính trường quốc tế nhất là đối với một nhà lãnh đạo luôn đề cao “Nước Mỹ trước tiên” như ông Donald Trump. Nhiều nhà phân tích thậm chí còn bày tỏ lo ngại, với tính cách khác biệt như Tổng thống Donald Trump, việc nước Mỹ thực thi những lời đe dọa về cắt giảm tài chính đóng góp cho LHQ hoặc rút bỏ sự tham gia của Mỹ trong các tổ chức quốc tế hay gây sức ép với các quốc gia nhận viện trợ từ Mỹ là có thể xảy ra. 

Và như vậy, sẽ có những ảnh hưởng và thay đổi không nhỏ tại diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới này cũng như bầu không khí chính trị trên toàn thế giới.

Phan Hiển
.
.
.