Số ca COVID-19 toàn cầu vượt mốc 120 triệu

Chủ Nhật, 14/03/2021, 09:05
Số ca nhiễm mới COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, song vẫn lên đến trên 400.000 ca mỗi ngày. Tính đến 9h sáng nay (14/3, giờ Hà Nội), toàn thế giới đã ghi nhận 120,04 triệu ca nhiễm.

Theo số liệu cập nhật thời gian thực trên Worldometers, Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất toàn cầu với trên 48.800 ca nhiễm mới và 1.037 ca tử vong được ghi nhận trong 24h gần nhất. Tổng số người nhiễm và tử vong vì dịch COVID-19 tại Mỹ lần lượt là trên 30,04 triệu và 546.000.

Số người thiệt mạng vì COVID-19 ở Brazil đang ở mức báo động. Ảnh: Getty Images

Brazil gần đây vượt Ấn Độ và trở thành vùng dịch lớn thứ hai với hơn 11,4 triệu ca nhiễm, tăng gần 71.000 ca sau 24h. Nước này trong ngày 13/3 ghi nhận 1.940 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì dịch tại quốc gia Nam Mỹ lên hơn 277.000 ca.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình hình dịch bệnh ở Brazil rất đáng lo ngại. "Trừ khi những biện pháp nghiêm túc được thực hiện, đà tăng đang làm quá tải hệ thống y tế sẽ dẫn tới nhiều ca tử vong hơn", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ.

Truyền thông khu vực cho biết, số ca nhiễm phải nhập viện ở Brazil đang tăng nhanh. Các bệnh viện tại quốc gia này hầu hết phải hoạt động hết công suất. Brazil hiện đang đẩy mạnh tiêm chủng vaccine và là một trong những quốc gia có số người được chủng ngừa COVID-19 cao nhất.  

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba, báo cáo gần 11,36 triệu ca nhiễm và trên 158.600 ca tử vong. Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các chính quyền địa phương ưu tiêm tiêm vaccine COVID-19 cho một số khu vực đã ghi nhận ca nhiễm mới tăng, gồm thủ đô New Delhi. Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người vào giữa tháng 8/2021.

Nga, vùng dịch thứ tư toàn cầu, ghi nhận 9.900 ca nhiễm mới trong 24h qua, nâng tổng số người nhiễm lên 4.380.525, trong đó hơn 91.600 người đã tử vong. Tình hình dịch ở Nga đang có dấu hiệu tiến triển tốt khi số ca nhiễm mới giảm đáng kể so với cách đây vài tuần.

Dù Nga là quốc gia đầu tiên cấp phép vaccine COVID-19 và khởi động nỗ lực tiêm chủng sớm, nước này đến nay mới báo cáo trên 4 triệu người được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19.

Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4,25 triệu người nhiễm và trên 125.600 người chết vì dịch bệnh. Mức tăng ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm ở Anh. Nước này hiện đã tiêm vaccine cho hơn 23 triệu người, cao nhất khu vực.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm gần 30.000 ca nhiễm mới trong 24h qua, nâng tổng số người bệnh vượt mốc 4 triệu ca. Tại Pháp, hơn 90.300 người đã chết vì COVID-19.  Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, báo cáo gần 2,56 triệu ca nhiễm và hơn 73.900 ca tử vong.

Tại các nước khác ở châu Âu, tình hình dịch bệnh đang có xu hướng thuyên giảm. Các chính phủ đều đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine, nhưng gặp rào cản về thiếu nguồn cung vaccine và lo ngại về mức độ an toàn.

Gần đây, ít nhất 9 nước EU đã tuyên bố ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca vì lo ngại về nguy cơ chúng tạo ra những cục máu đông, gây tử vong cho người được tiêm, bất chấp việc Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu và WHO tuyên bố chưa tìm thấy bằng chứng vaccine không an toàn.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.414.741 ca nhiễm và hơn 38.300 ca tử vong. Philippines đứng thứ hai với trên 616.000 ca nhiễm và gần 12.800 ca tử vong.

Thiện Nhân
.
.
.