Slovenia công nhận Nhà nước Palestine với thủ đô Đông Jerusalem

Thứ Ba, 23/01/2018, 16:08

Slovenia đang chuẩn bị công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền đầy đủ vào tháng tới, khi lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas thúc giục các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) làm như vậy, nêu rõ sự lo lắng về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Slovenia sẽ cùng Thụy Điển là quốc gia thứ 2 trong khối EU gồm 28 quốc gia thành viên công nhận Palestine, Báo Delo hôm 23-1 dẫn tuyên bố từ Ngoại trưởng Karl Erjavec. Các cuộc tranh luận về việc công nhận Nhà nước Palestine cũng đang diễn ra ở Bồ Đào Nha, Ireland, Bỉ và Luxembourg. Kể từ năm 1988, có 136 quốc gia thừa nhận Nhà nước Palestine tại Liên hợp quốc.

Ngoại trưởng Slovenia Karl Arjavec. Ảnh: Thông tấn AP

Slovenia, một quốc gia có 2 triệu dân, một thành viên EU và NATO cho biết muốn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn trong khối 28 quốc gia liên minh đang rất vất vả tìm ra cách tiếp cận chung cho các vấn đề toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có vợ là một cựu siêu mẫu gốc Slovenia đã đưa ra quyết định vào tháng 12 năm ngoái rằng Washington sẽ chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem. Quyết định này bị coi là một bước cản trở đối với việc tạo ra một quốc gia riêng biệt với Israel dành cho người Palestine, họ cũng xem Jerusalem là thủ đô.

 “Việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ đồng nghĩa với động thái gây phương hại cho giải pháp 2 quốc gia. Tôi cho rằng bây giờ đã đến lúc tăng cường ủng hộ cho Palestine”, Ngoại trưởng Slovenia Erjavec cho biết.

Công nhận Palestine là một quốc gia độc lập sẽ thúc đẩy mọi khía cạnh “chung sống hòa bình” với Israel, ông Abbass nhấn mạnh trong bài phát biểu hôm 22-1 sau khi ăn trưa với các ngoại trưởng, bao gồm ông Erjavec ở Brussel, Vương quốc Bỉ và kêu gọi EU “nhanh chóng thực hiện hành động”.

 “Điều này sẽ khích lệ nhân dân Palestine tiếp tục hy vọng về hòa bình và chờ đợi cho đến khi hòa bình đến, và nó sẽ mở ra cánh cửa đi đến hòa bình”, lãnh đạo Palestine Abbas nói với các phóng viên. “Không có mâu thuẫn giữa sự công nhận và việc nối lại các cuộc đàm phán”, ông Abbas phân tích.

Ngọc Bích
.
.
.