Quan hệ Nga - Nhật thêm một lần đứng trước “sóng gió”

Thứ Bảy, 30/12/2017, 10:58
Trong bối cảnh Nhật Bản đưa ra quyết định mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore của Mỹ trên lãnh thổ nước này, phía Nga đã lên tiếng, đưa ra các quan điểm phản bác, đồng thời cho biết hành động này sẽ gây tổn hại tới các cuộc đàm phán giữa Moscow và Tokyo về việc ký kết hiệp định hòa bình.  


Tổn hại đến đàm phán hiệp ước hòa bình

Sputnik ngày 28-12 (giờ địa phương) đưa tin, trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, quan hệ Nga  và Nhật Bản đang một lần nữa đứng trước “sóng gió”, vì việc Tokyo tuyên bố triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ hôm 19-12.

Bà Maria Zakharova phát biểu: “Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên thực tế sẽ đồng nghĩa với việc Washington vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung với sự hỗ trợ của Nhật Bản. Những hệ thống này được trang bị bệ phóng có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Người phát ngôn cũng nhấn mạnh, hành động như vậy sẽ trực tiếp mâu thuẫn với các ưu tiên xây dựng niềm tin quân sự và chính trị giữa Nga - Nhật Bản. Và không may, điều đó gây ảnh hưởng xấu tới toàn bộ bầu không khí trong quan hệ song phương, bao gồm vấn đề liên quan tới hiệp ước hòa bình.

Nga quan ngại sâu sắc việc Nhật Bản mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ.  Ảnh: US Missile Defense Agency

Ngoài ra, bà Maria Zakharova cho biết, quan hệ song phương giữa Moscow và Tokyo vẫn luôn căng thẳng sau khi hai bên đều tuyên bố chủ quyền tại quần đảo tranh chấp ở Thái Bình Dương mà Nga gọi là quần đảo Kuril và Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Việc tranh chấp chủ quyền đã cản trở hai nước ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, giới quan sát chính trị thế giới nhìn nhận, gần đây hai bên đều thể hiện thiện chí giải quyết những bất đồng còn tồn tại bằng cách cùng tiến hành nghiên cứu, đánh giá tiềm năng kinh tế tại khu vực đảo tranh chấp. Tuy nhiên, mọi nỗ lực ấy dường như đã “tan thành mây khói” khi Nhật Bản có những hành động “thiếu thiện chí” nêu trên.

Phía Nga đã nhiều lần lên tiếng phán đối việc Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore, đồng thời tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ các động thái liên quan. Một nguồn thạo tin tiết lộ, lực lượng phòng thủ Nga đã sẵn mọi kịch bản nếu hệ thống Aegis Ashore tại Nhật Bản không chỉ dùng để phòng thủ.

Nhật Bản quyết xúc tiến nhanh

Trong một tài liệu được nội các phê chuẩn hôm 19-12, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã lưu ý rằng, sự phát triển hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên gây ra một cấp độ đe dọa mới đối với an ninh nước này. Đứng trước những mối lo ngày một tăng như vậy, dù Nga đã nhiều lần lên tiếng phản đối, Nhật Bản vẫn quyết tâm xúc tiến nhanh hệ thống Aegis Ashore.

Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera thông báo, Nhật Bản sẽ cố gắng đẩy nhanh việc triển khai các hệ thống Aegis Ashore để nâng cao năng lực phòng thủ trên toàn lãnh thổ vào mọi thời điểm và theo hướng bền vững. Nhằm đạt được mục đích, Bộ Quốc phòng sẽ dành các khoản chi tiêu trong ngân sách bổ sung của năm tài khóa hiện tại (kết thúc vào tháng 3-2018) để phục vụ cho hoạt động thu thập thông tin.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang tìm kiếm một khoản trị giá 730 triệu yen (~ 6,5 triệu USD) để trả phí thiết kế và nghiên cứu trong năm tài khóa tới. Dự kiến, hai hệ thống Aegis Ashore nêu trên sẽ được đưa vào hoạt động trước năm tài khóa 2023.

Các quan chức Nhật Bản tiết lộ, trước đó Bộ Quốc phòng nước này đã nghiên cứu Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) – một hệ thống chống tên lửa khác của Mỹ. Nhưng cuối cùng Tokyo lại chọn Aegis Ashore bởi tính hiệu quả về chi phí và một vài yếu tố khác.

Aegis Ashore là phiên bản trên mặt đất của hệ thống tác chiến Aegis được phát triển cho các tàu chiến. Đây là một hệ thống gồm các radar, máy tính và tên lửa. Hệ thống "lá chắn" tên lửa này có tầm bao phủ toàn lãnh thổ Nhật Bản và được trang bị hệ thống đánh chặn thế hệ mới SM-3 Block 2A với tầm phủ sóng và độ chính xác cao hơn so với phiên bản SM-3 trên tàu khu trục Aegis.

Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản, mỗi hệ thống Aegis Ashore do Tập đoàn Vũ khí Lockheed Martin của Mỹ chế tạo sẽ tốn ít nhất 100 tỷ yen (khoảng 888 triệu USD). Hiện tại, Nhật Bản đã có hai lớp phòng thủ tên lửa là tàu khu trục Aegis của Lực lượng Bảo vệ bờ biển được trang bị hệ thống đánh chặn SM-3 và hệ thống đánh chặn mặt đất PAC-3.

Quyết định triển khai thêm hệ thống phòng thủ Aegis được cho là sẽ giảm gánh nặng cho lực lượng phòng vệ quốc gia trong nỗ lực phòng thủ tên lửa. Trước đó, hôm 24-11, tại buổi họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono đang có chuyến thăm Nga khi đó khẳng định Nga là một đối tác quan trọng của Tokyo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản sẽ củng cố hợp tác với Nga vì sự ổn định và phát triển của toàn khu vực.

Linh Đan
.
.
.