Quan chức Myanmar tới Thái Lan tìm cách tháo gỡ bế tắc chính trị

Thứ Tư, 24/02/2021, 14:44
Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar do chính quyền quân đội bổ nhiệm ngày 24/2 đã bay đến Thái Lan trong một nỗ lực tìm hướng giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trong nước, kể từ sau cuộc đảo chính của quân đội nước này hôm 1/2.


Reuters dẫn nguồn tin từ Thái Lan cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin đã bay đến Thái Lan để tham gia đàm phán thể hiện nỗ lực hợp tác ngoại giao với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối đảo chính vẫn diễn ra tại Myanmar. 

Một ngày trước đó, trong thông điệp gửi tới Reuters, văn phòng Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia từng đề nghị: "Quá trình chuyển đổi dân chủ toàn diện cần được tuân theo nguyện vọng của người dân Myanmar. Bất kỳ con đường nào sắp tới là phương tiện để đạt được mục đích này".

Xe tải quân sự cùng binh lính Myanmar tại khu vực dựng rào chắn ở Mandalay, Myanmar. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi từng dự kiến đến Myanmar vào ngày 25/2, nhưng kế hoạch chuyến thăm không được thực hiện do "đây không phải thời điểm lý tưởng", sau khi xem xét diễn biến hiện nay và ý kiến từ các nước ASEAN khác.

Những động thái này được đưa ra trong bối cảnh, tại Myanmar, kể từ đầu tuần qua, các cuộc biểu đình và tổng đình công liên tục diễn ra với quy mô ngày một lớn nhằm phản đối cuộc đảo chính và yêu cầu trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, bất chấp những cảnh báo từ chính quyền quân đội rằng các cuộc đối đầu có thể phải trả giá bằng mạng sống.

Người biểu tình cùng với các nhân viên từ Bộ năng lượng Myanmar tiếp tục xuống đường trong ngày 24/2, với những lo ngại về tác động kinh tế mà các cuộc biểu tình và chiến dịch bất tuân dân sự cùng các cuộc đình công có thể gây ra, theo Reuters.

Kể từ sau khi cuộc đảo chính và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính phủ xảy ra, quân đội Myanmar đã trao quyền lực cao nhất cho Tư lệnh Lực lượng vũ trang, Tướng Min Aung Hlaing và tuyên bố quân đội sẽ không nắm quyền lâu và mục tiêu là tổ chức bầu cử để chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng.

Song, cho đến nay, thời điểm tổ chức bầu cử vẫn chưa được công bố. 

Ngay sau khi đảo chính xảy ra, ASEAN đã lên tiếng kêu gọi các bên ở Myanmar đối thoại, hòa giải, cũng như sớm đưa tình hình trở lại bình thường, theo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định chính trị ở các quốc gia thành viên ASEAN nhằm đạt được hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN.

An Nhiên
.
.
.