Phương Tây chia rẽ vì căng thẳng Nga - Ukraine?

Thứ Bảy, 01/12/2018, 08:30
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ không gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin liên quan tới vụ căng thẳng giữa Nga và Ukraine, một động thái dấy lên lo ngại về những chia rẽ tại phương Tây nhen nhóm bởi vòng xoáy căng thẳng mới này.


Phát biểu ngày 30-11 (giờ Việt Nam) khi đang trên đường tới Buenos Aires, Argentina dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ không gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin liên quan tới vụ căng thẳng giữa Nga và Ukraine, một động thái dấy lên lo ngại về những chia rẽ tại phương Tây nhen nhóm bởi vòng xoáy căng thẳng mới này.

Trong một thông báo đăng tải trên Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ: "Xét tình hình các thủy thủ và tàu Ukraine vẫn chưa được phía Nga trao trả, tôi quyết định điều tốt nhất cho tất cả các bên liên quan đó là hủy cuộc gặp theo kế hoạch với Tổng thống Vladimir Putin tại Argentina. Tôi mong đợi một Hội nghị thượng đỉnh nhiều ý nghĩa ngay khi tình hình này được giải quyết". 

Trước đó trong một tài liệu của Điện Kremlin mà Reuters có được cho biết, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump dự kiến sẽ gặp nhau ngày 1-12 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina. 

Các nước phương Tây đang tồn tại quan điểm khác biệt liên quan tới vụ căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Ảnh: Crimea FSB

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định Tổng thống Mỹ đổi ý về cuộc gặp sau khi tham vấn với Ngoại trưởng Mike Pompeo, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. 

Phản ứng trước tuyên bố hủy cuộc gặp của Tổng thống Trump, Hãng TASS ngày 30-11 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskow bày tỏ: "Chúng tôi lấy làm tiếc với quyết định hủy cuộc gặp giữa hai lãnh đạo tại Argentina. Điều này đồng nghĩa với việc trì hoãn vô hạn định thảo luận về các vấn đề quan trọng song phương và quốc tế". 

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho biết Tổng thống Nga Putin vẫn sẵn sàng liên lạc với người đồng cấp Mỹ.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đổ vỡ trong bối cảnh Nga và Ukraine tiếp tục leo thang căng thẳng vì vụ việc ở eo biển Kerch. Tàu chiến Nga ngày 25-11 đã bắt giữ 3 tàu Ukraine cùng thủy thủ đoàn tại khu vực thuộc Biển Đen gần eo biển Kerch, cửa ngõ dẫn vào Biển Azov với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga. 

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngay sau đó đã kêu gọi NATO triển khai tàu quân sự đến Biển Azov để hỗ trợ an ninh cho nước mình, đồng thời cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện và ký lệnh thiết quân luật trong 30 ngày tại khu vực giáp Nga, Biển Đen và Biển Azov. 

Trong một động thái mới nhất, Sputnik đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết không loại trừ khả năng một số quốc gia phương Tây có thể tham gia lên kế hoạch cho diễn biến ngày 25-11 vừa qua trên Eo biển Kerch. 

"Đây là một sự khiêu khích cố ý. Tôi nghi ngờ rằng một vài quốc gia phương Tây biết hoặc thậm chí tham gia lên kế hoạch", bà nói hôm 29-11. 

Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Liege (Bỉ) Nina Bashkatov dấy lên nghi ngờ rằng: "Sự cố Eo biển Kerch xảy ra đúng lúc để "đầu độc" cuộc gặp tại Hội nghị G20, nơi hai nhà lãnh đạo Trump và Putin sẽ gặp nhau vào cuối tuần này. Đây là một sự khiêu khích có chiến thuật, được hình thành để ngăn chặn bất kỳ sự xích lại gần nhau giữa các siêu cường quốc".

Bloomberg lại nhận định, xung đột mới nhất trong căng thẳng Nga - Ukraine là cơ hội để ông chủ điện Kremlin kiểm chứng cam kết bảo vệ của phương Tây đối với Kiev, trong thời điểm Mỹ và phương Tây đứng trước nhiều chia rẽ do mâu thuẫn nội bộ. 

Trên thực tế, sau vụ việc này, giới chức Ukraine đã ra sức thúc giục phương Tây áp đặt trừng phạt bổ sung Nga và nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ từ Mỹ. Chính quyền Mỹ vừa thúc giục châu Âu phải "làm nhiều hơn nữa" nhằm hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh: "Chính phủ Mỹ có vị thế rất mạnh trong việc hỗ trợ Ukraine. Do đó chúng tôi muốn các đồng minh châu Âu tham gia giúp đỡ nhiều hơn nữa cho nước này". 

Tuy nhiên, nhiều "ông lớn" tại châu Âu lại thể hiện một lập trường quan điểm mềm dẻo hơn thay vì ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga. 

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Đức-Ukraine hôm 29-11, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi Ukraine cần có "cách tiếp cận khôn ngoan" đối với cuộc khủng hoảng hiện nay với Nga. Thủ tướng Đức khẳng định "không có giải pháp quân sự" cho sự việc này và đề cao giải pháp thông qua đối thoại. 

Tuy nhiên, bà Merkel cũng cho biết, bà sẽ có cuộc trao đổi với Tổng thống Nga bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, đồng thời kêu gọi chính quyền Nga lập tức thả các binh sĩ Ukraine hiện đang bị giam giữ. 

Trước đó, trong ngày 28-11, Cao uỷ phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Federica Mogherini cũng đưa ra tuyên bố yêu cầu Nga đảm bảo việc tự do đi lại không cản trở tại eo biển Kerch, nhưng hoàn toàn không đề cập đến khả năng đưa ra các biện pháp trừng phạt mới với Nga. 

Các nhà ngoại giao Pháp và Đức trong một cuộc gặp bí mật hôm 27-11 cũng đã lên tiếng phản đối việc tăng cường các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu với Nga, thay vào đó là ủng hộ biện pháp nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên.

Vụ việc diễn ra trên eo biển Kerch ngày 25-11 đánh dấu cuộc đụng độ trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát tại miền Đông Ukraine từ năm 2014. Phương Tây dường như cũng đang bị kéo theo vòng xoáy căng thẳng này, với những quan điểm nhen nhóm sự chia rẽ, nhất là trong việc thúc đẩy trừng phạt Nga. 

Trong bối cảnh đó, ngày 29-11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, ông đã thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về khả năng Ankara trở thành một bên trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Moskva và Kiev. Song hiện phía Nga vẫn khẳng định, nước này không cần các quốc gia khác tham gia hòa giải bởi họ và Ukraine đều có thể tự giải quyết vấn đề của mình.

An Nhiên
.
.
.