Phong tục đón năm mới trên thế giới

Chủ Nhật, 07/02/2016, 19:40
Mỗi quốc gia trên thế giới đón năm mới theo truyền thống dân tộc mình. Dù ở đâu và thuộc dân tộc nào, mọi người đều mong muốn, cầu chúc cho một năm mới tốt lành, bình an, nhân loại được hạnh phúc, thế giới được hoà bình…

Với người Anh, khi đồng hồ bắt đầu điểm tiếng chuông thứ nhất của giao thừa thì chủ nhà mở các cửa phía sau nhà để tiễn đưa năm cũ; và khi đồng hồ điểm tiếng chuông thứ 12, sẽ mở các cửa phía trước để đón năm mới.

Đêm giao thừa, người Anh mang rượu và bánh ngọt đi chúc tết. Khi đến chúc tết, họ không gõ cửa mà đi thẳng vào nhà. Người đến làm khách trong đêm giao thừa, trước khi nói chuyện phải cời bếp lò, chúc chủ nhà “Mở cửa gặp may!”.

 Ngay giây phút đầu tiên của năm mới, người Hungary thổi sáo của trẻ em, thổi tù và, huýt sáo miệng để xua đuổi những điều ác ra khỏi nhà và đón chào những niềm vui và điều may mắn. Họ không quên các món ăn trong ngày Tết, như: đậu xanh và đậu Hà Lan biểu tượng sức mạnh tinh thần và thể lực; táo biểu thị vẻ đẹp và tình yêu; đậu, lạc tạo điều kiện giải thoát được đói nghèo, tỏi chữa được bách bệnh và mật ong làm dịu mát cuộc đời.

 Ở Cộng hòa Liên bang Đức, khi đồng hồ bắt đầu điểm tiếng chuông giao thừa, tất cả mọi người từ già đến trẻ đều leo lên ghế, bàn, giường và khi đồng hồ điểm tiếng chuông thứ 12 thì tất cả mọi người cùng nhau hân hoan, vui vẻ nhảy múa đón chào năm mới.

Ở nông thôn nước Đức hiện nay vẫn còn giữ truyền thống bleiglessen của thời trung cổ: Tìm một viên chì loại “có chứa đựng điều bí mật của tương lai”. Nung viên chì cho tới khi biến thành nước và rót thành giọt vào cốc. Chì nguội và rắn lại. Hình dạng cục chì được tạo ra trong cốc nói nên sự mong chờ trong năm mới. Nếu là hình trái tim hoặc chiếc nhẫn thì sẽ có tin mừng về lễ cưới, hình một con tàu thì sẽ phải đi xa, hình con lợn nghĩa là sẽ được thưởng thức những món ăn ngon.

Đêm giao thừa ở Rumani, những người phụ nữ chưa xây dựng gia đình thường lui tới giếng, đốt nến và nhìn xuống đáy giếng. Ánh của ngọn nến sẽ vẽ trong đáy giếng sâu thẳm nét mặt của người chồng tương lai.       Theo phong tục vào phút chót của năm cũ, người dân Italia vứt qua cửa sổ những bát, đĩa cũ, quần áo cũ và cả các đồ bằng gỗ cũ để sang năm mới sẽ mua những thứ mới. Sau đó, họ đốt pháo hoa, pháo dây. Ở nông thôn còn có phong tục: Sáng sớm ngày 1 khi đến nhà bạn, món quà quí nhất là 1 bình nước có cành nhỏ ô-liu, vì nước là niềm hạnh phúc.

Trong những ngày đón năm mới, trên các bàn ăn hay bàn uống nước ở mỗi gia đình lúc nào cũng có lạc rang, đậu nành và nho, đó là biểu tượng của trường thọ, hạnh phúc và bình an.

 Người dân Tây Ban Nha cho rằng: Ngày 28 tháng 12 là ngày xúi quẩy nhất trong cả năm; và trong  đêm giao thừa, khi chuông đồng hồ điểm giờ, cần phải ăn hết 12 quả nho, mỗi quả nho là tương lai của mỗi tháng trong năm mới.

 Người dân Scotland đón năm mới bằng một cuộc rước đuốc, người ta đốt các thùng chứa nhựa đường và lăn chúng trên đường phố để hoá thân  năm cũ và soi đường cho năm mới. Điều may mắn trong năm mới của chủ nhà sẽ phụ thuộc vào người đầu tiên đến xông nhà, nếu là nam giới có tóc thẫm màu, đem theo gói quà sẽ là người đem hạnh phúc lớn đến cho gia chủ.

 Tại Trung Quốc, năm mới là một lễ hội của đèn. Trong đêm rằm tháng giêng âm lịch, trên khắp nẻo phố và các quảng trường, người dân Trung Quốc đốt rất nhiều đèn cỡ nhỏ. Họ tin rằng những tia nhấp nháy của đèn sẽ xua đuổi những điều xấu xa, giá lạnh, bất hạnh đi và đón chào những hồi sinh của vạn vật. Có nhiều loại đèn và trên đèn vẽ nhiều màu sặc sỡ, trang trí hoa văn cầu kỳ, nhiều nhất là loại đèn có hình dạng 12 con vật tượng trưng cho 12 năm theo chu kỳ của âm lịch.

Ngày mồng 1 của năm mới ở Mông Cổ cũng là ngày mở hội vui chơi của toàn dân. Người dân Mông Cổ 2 lần đón năm mới: năm mới theo dương lịch và năm mới theo âm lịch. Theo phong tục, trong những ngày đầu năm mới theo âm lịch, không được cãi nhau, tranh luận, mắng chửi và nói dối, điều đó được coi là một giấc mơ lớn.

 Năm mới là một lễ hội lớn của Nhật. Cây thông chiếm ưu thế trong trang trí ánh sáng, nó được đặt ngay cửa ra vào để ngăn chặn những điều ác lọt vào nhà. Trước cửa nhà, người dân Nhật treo những ôm rơm để bảo vệ nhà mình không có những điều độc ác. Có một điều quan trọng và thiêng liêng nhất đối với người Nhật là cười trong giây đầu tiên của năm mới, vì làm được như thế thì hạnh phúc luôn luôn đến với họ trong suốt cả năm. Một dụng cụ trong năm mới cần được sử dụng để hốt được hạnh phúc, đó là chiếc bừa cào có kích thước từ 10cm đến 1,5m và được tô vẽ rất cầu kỳ, phong phú. Để lấy lòng Thượng đế của năm mới, người Nhật còn dựng ở trước cửa nhà một cổng chào bằng 3 cây sào tre được quấn quanh bằng các cành thông.

Ở Nhật, vào đúng lúc giao thừa cũng đánh chuông, đánh 108 tiếng, mỗi tiếng chuông “diệt” một tật xấu của con người. Người Nhật cho rằng có tất cả 6 tật xấu: tham lam, giận dỗi, khờ dại, nông nổi, không quyết đoán và đố kỵ; song mỗi người lại có 18 sắc thái.

 Người dân Ấn Độ đón năm mới trọn 8 ngày, vì trong đất nước có nhiều nền văn hoá đan xen. Một trong 8 ngày đó là lễ Guđi Pađva – trong ngày lễ này cần phải ăn lá cây nim-nim - là loại lá rất cay và có mùi khó chịu, nhưng theo tín ngưỡng thì ăn loại lá này sẽ giúp cho con người không bị ốm đau, đói rét và đảm bảo cho con người một cuộc sống ngọt ngào kỳ lạ.

Đêm giao thừa, người dân Cuba đổ nước vào tất cả bát đĩa có trong nhà và chờ đến nửa đêm, họ đổ nước qua cửa sổ. Như vậy tất cả mọi người dân sống trên hòn đảo tự do đều cầu mong năm mới có một con đường sáng sủa và sạch sẽ. Và trong khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, cần phải nuốt hết 12 quả nho, như thế trong suốt thời gian 12 tháng, lúc nào bên bạn cũng có niềm vui, hạnh phúc, hoà bình và phồn vinh.

 Người Nga ở đâu cũng đón năm mới với cây thông mới trong nhà. Có nhiều loại thông nhựa, nhưng thông thiên nhiên được quí hơn nhiều. Các gia đình trang hoàng cây thông khi trẻ nhỏ đã ngủ để sớm ngày mồng một, chúng có một niềm vui sướng bất ngờ khi nhìn thấy trong nhà có một cây thông Tết thật đẹp.

Những năm gần đây xuất hiện truyền thống là trong đêm giao thừa cần phải có hiện vật làm “vừa lòng ông Tổ của năm mới”.  Năm 2007 (Mậu Tý), người Nga mua một loại động vật gậm nhấm nào đó, chẳng hạn như: chuột đồng, hoặc đặt ở góc phòng  một vật tượng trưng cho “thức ăn” mời chuột, đeo mặt nạ Mitki Mauxa, xem phim hoạt hình có sự diễn xuất của chuột.

Năm mới 2011, người dân Nga cho rằng họ tiễn năm Hổ và đón năm Thỏ (thay cho Mèo như Việt Nam).

Năm 2016 là năm Khỉ nên hiện vật để cúng “ông Tổ của năm mới” phải là các loại trái cây và rượu cô nhắc.

Ninh Công khoát (Sưu tầm và tổng hợp)
.
.
.