Tổng thống Emmanuel Macron: Nước Pháp không đồng lõa với tội ác diệt chủng

Thứ Năm, 27/05/2021, 20:30
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong chuyến thăm tới Rwanda, cho biết Pháp đã thừa nhận vai trò của nước này trong cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994, bao gồm việc phớt lờ những cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm sát, mong muốn được tha thứ nhưng lại không đưa ra lời xin lỗi.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh Getty Images. 

Bình luận của ông Macron được đưa ra ngày 27/5 trong một bài phát biểu trang trọng tại Đài tưởng niệm Diệt chủng Kigali, nơi chôn cất 250.000 nạn nhân của vụ diệt chủng tại đất nước châu Phi này cách đây hơn 26 năm.

Khoảng 800.000 người, bao gồm những người dân tộc Tutsis thiểu số và người Hutus ôn hòa, đã bị lực lượng dân quân Hutu giết chết trong 100 ngày đẫm máu, bắt đầu vào tháng 4/1994, được ghi nhận là một trong những nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.

Cuộc diệt chủng kết thúc vào tháng 7/1994 khi Mặt trận Yêu nước Rwanda (RPF), do Tổng thống đương nhiệm Kagame lãnh đạo, từ Uganda tiến vào và giành quyền kiểm soát đất nước.

Tổng thống Macron cho biết lãnh đạo Pháp thời đó đã không lắng nghe những người cảnh báo về vụ thảm sát sắp xảy ra ở Rwanda. “Đứng ở đây hôm nay, với sự khiêm tốn và tôn trọng, bên cạnh các bạn, tôi thừa nhận rằng chúng tôi (Pháp) có trách nhiệm”, tuy nhiên, ông Macron nói thêm rằng Pháp “không phải là đồng phạm” với tội ác diệt chủng.

Tổng thống Macron là nhà lãnh đạo đầu tiên của Pháp thăm Rwanda trong 11 năm qua.

Về phần mình, Tổng thống Rwanda Kagame ca ngợi bài phát biểu của Macron “có giá trị hơn một lời xin lỗi”.

Dù rằng những lời của ông Macron đã vượt qua những gì những người tiền nhiệm của ông từng làm, người dân Rwanda vẫn mong đợi “một lời xin lỗi thực sự”.

Ibuka, hiệp hội gồm những người sống sót sau nạn diệt chủng năm 1994, cho biết họ rất thất vọng vì đã không có “một lời xin lỗi rõ ràng” nào được đưa ra. Egide Nkuranga, chủ tịch hiệp hội, cho biết ông Macron không “cầu xin sự tha thứ”, nhưng ông “thực sự cố gắng giải thích về nạn diệt chủng, những gì đã xảy ra, những gì họ không làm, trách nhiệm của họ… Điều đó rất quan trọng, nó cho thấy rằng ông ấy hiểu chúng ta”.

Sau khi rời Rwanda, ông Macron sẽ tới Nam Phi gặp Tổng thống Cyril Ramaphosa để thảo luận về COVID-19 và các cuộc khủng hoảng trong khu vực.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.