Peru: Nguy cơ khủng hoảng chính trị từ lệnh ân xá dành cho cựu Tổng thống Fujimori

Thứ Bảy, 13/01/2018, 10:14
Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski đang đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối lan rộng trên toàn quốc với sự tham gia của các tầng lớp sinh viên, công nhân và các nhà hoạt động xã hội. Nguyên do là vì ông vừa tiến hành cải tổ chính phủ và ân xá cho cựu Tổng thống Alberto Fujimori.


Các cuộc biểu tình phản đối này đã bước sang ngày thứ 4 (12-1) và đang ngày một xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh thành như Lima, Tacna, Puno Moquegua Cusco, Arequipa, Apurimac, Madre de Dios. Hãng tin TelesurTV.net cho hay, các cuộc biểu tình này không phải tự phát mà đều do các tổ chức xã hội khuấy động như Ủy ban chiến đấu quốc gia, Tổng liên đoàn Lao động Perus, CGTP, Liên hiệp đoàn kết công nhân, CUT và Liên đoàn Nông nghiệp quốc gia…

Những người biểu tình, nhất là các sinh viên còn dự định sẽ có một cuộc “hành quân” tới thủ đô Lima và cùng với sinh viên của 10 trường đại học tại đây, tổ chức biểu tình dưới sự kêu gọi của Phong trào Peru mới (MNP).

Veronika Mendoz, người đứng đầu MNP trong một lần xuất hiện trên Twitter nói: “Điều chúng tôi không chấp nhận được đó là việc tội phạm và kẻ giết người ở đất nước chúng tôi được thả tự do. Chúng tôi cũng không chấp nhận rằng những kẻ tham nhũng có thể trốn tránh công lý”.

Trong khi đó, nguồn tin từ cảnh sát cho biết, đến chiều tối 11-1 và sáng 12-1, các cuộc biểu tình ở một số nơi đang có nguy cơ chuyển thành bạo động. Đụng độ đã xảy ra khi cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán đám đông tụ tập tại thủ đô Lima và thành phố San Isidro ở miền Nam…

Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski cùng các thành viên trong nội các mới tuyên thệ hôm 9-11 với hy vọng sẽ thổi luồng sinh khí mới và giải quyết những bất đồng đang nảy sinh trong xã hội Peru. Ảnh: Reuters. 

Giới quan sát nhận định, các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng ở Peru cho thấy sự mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội. Nguy cơ khủng hoảng chính trị cũng nặng nề bởi trước đó, chính phủ Peru đã trải qua nhiều sóng gió, thậm chí đương kim Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski còn từng bị cáo buộc tham nhũng và bị đòi từ chức vì cáo buộc tham nhũng.

Chuyện bắt đầu khi Quốc hội Peru đã thông qua đơn kiến nghị của phe đối lập tiến hành thảo luận về luận tội Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski liên quan đến các cáo buộc nhận hối lộ từ Tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil.

Hãng Reuters khi đó đưa tin, đây là một trong những bước cần thiết để cơ quan lập pháp Peru buộc ông Pedro Pablo Kuczynski rời khỏi ghế Tổng thống. Một kịch bản đã được đưa ra là nếu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski bị phế truất, Phó Tổng thống thứ nhất Martin Vizcarra sẽ thay thế ông. Vì thế, để đổi lấy việc củng cố vị thế của mình, Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski đã có một thỏa thuận với các nghị sĩ theo phe của cựu Tổng thống Alberto Fujimori.

Kết quả là ông Alberto Fujimori- người bị kết án 25 năm tù giam vào năm 2009 vì tham nhũng và vi phạm nhân quyền đã nhận được lệnh ân xá của Tổng thống. Ông Alberto Fujimori năm nay 79 tuổi và là nhân vật gây nhiều tranh cãi tại Peru vì vừa có công chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế và xung đột đẫm máu trong 10 năm nhưng lại mang nhiều trọng tội trong đó có liên quan tới cái chết của 25 người trong thời gian làm Tổng thống (1990-2000). Ông này từng 3 lần nộp đơn xin được ân xá vì lý do sức khỏe nhưng luật pháp Peru đã quy định, các tù nhân bị kết tội giết người hay bắt cóc không được tha bổng trừ trường hợp bệnh giai đoạn. Lần này, khi thông báo với toàn bộ dân chúng về quyết định này, văn phòng Tổng thống cho hay, ông Alberto Fujimori được ân xá là vì sức khỏe yếu và đang chịu một căn bệnh “tiến triển, thoái hóa và không chữa trị được”.

Hãng tin AP bình luận, mặc dù được kỳ vọng sẽ trở thành một nhà kỹ trị giỏi, đủ sức đối phó với vấn nạn tham nhũng tràn lan ở Peru nhưng chỉ sau 16 tháng cầm quyền, ông Pedro Pablo Kuczynski lại trở thành tâm điểm chỉ trích và được cho là người khơi nguồn các cuộc đụng độ giữa đảng cánh tả và cánh hữu trong Quốc hội.

Không chỉ gây sốc bằng quyết định ân xá của ông đối với cựu Tổng thống Alberto Fujimori, Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski còn bị cho là gây rối chính trường bằng một cuộc cải cách trong chính phủ. Hôm 9-1, ông  Pedro Pablo Kuczynski đã thông báo thành phần nội các mới của chính phủ. Cụ thể, Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski đã bổ nhiệm nhà kinh tế Mercedes Aráoz làm Thủ tướng và 9 bộ trưởng mới trong nội các, trong khi giữ nguyên vị trí của 10 thành viên khác.

Luật sư Cayetana Aljovín được cử làm Ngoại trưởng và trong thành phần chính phủ mới của Peru có tới 9 phụ nữ. Ngay trong lễ nhậm chức của nội các mới, ông Pedro Pablo Kuczynski nhấn mạnh sẽ tiếp tục đối thoại với người dân và kêu gọi hòa giải của các chính đảng để tái lập an ninh quốc gia, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và cuộc chiến chống tham nhũng. Nhưng đáp lại lời kêu gọi này vẫn chỉ là các cuộc biểu tình chống chính phủ ngày càng lan rộng.

Phan Hiển
.
.
.