Palestine và Israel "khẩu chiến" tại Liên Hiệp Quốc

Chủ Nhật, 18/10/2015, 08:53
Cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) hôm 17/10 (giờ Việt Nam) về tình hình xung đột gia tăng giữa Palestine và Israel tại khu vực Bờ Tây đã biến thành màn “khẩu chiến” kịch liệt giữa hai bên. Ramallah và Tel Aviv đã lấy cuộc họp làm “sân khấu” để đổ lỗi cho nhau trước tình hình bạo lực gia tăng.

Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour đã lên án các vụ tấn công của Israel nhằm vào người dân Palestine, đồng thời kêu gọi HĐBA nhanh chóng can thiệp nhằm chấm dứt cái mà Palestine gọi là sự hung hăng của Israel nhằm vào người Palestine. Theo ông Mansour, HĐBA cần cân nhắc triển khai một lực lượng quốc tế tới Núi Đền (cách gọi thánh đường Al-Aqsa của người Israel – PV), nơi khởi nguồn của những xung đột giữa Palestine và Israel thời gian qua, để bảo vệ các tín đồ Palestine khi cầu nguyện ở đây.

Ông Mansour nói: “Trách nhiệm của LHQ, HĐBA và cộng đồng quốc tế là phải bảo vệ người dân Palestine trên các khu vực lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem cho đến khi hành vi chiếm đóng chấm dứt trên lãnh thổ Palestine”. Tuy nhiên, lời kêu gọi của Palestine đã bị phía Israel bác bỏ. Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon cho rằng, để mọi thứ theo đúng hiện trạng là cách duy nhất để đảm bảo sự ổn định của khu vực. Ông Danny nhấn mạnh: “Israel sẽ không đồng ý với bất cứ sự hiện diện quốc tế nào tại khu vực Núi Đền. Bất cứ sự can thiệp nào tại đây cũng đều vi phạm nguyên trạng đã có từ hàng thập kỷ nay”.

Đối đầu giữa người Palestine và Israel tại khu vực Bờ Tây liên tục gia tăng trong những ngày qua.

Có cùng quan điểm, Phó Đại sứ Israel tại LHQ David Roet khẳng định: “Sự hiện diện này sẽ làm thay đổi hiện trạng khu vực”. Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố ủng hộ “đấu tranh hòa bình” chống lại sự chiếm đóng của Israel, đồng thời nhấn mạnh quyền của người dân Palestine “được bảo vệ chính mình” và “theo đuổi cuộc đấu tranh của dân tộc”.

Tổng thống Abbas cáo buộc Israel leo thang các hành động bạo lực, các chính sách của Israel “đang đe dọa đến tiến trình hòa bình và sự ổn định của khu vực”. Đáp lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cáo buộc Tổng thống Abbas truyền bá những lời nói kích động bạo lực người dân chống phá chính quyền Tel Aviv, đồng thời tuyên bố tiếp tục tiêu diệt tận gốc “khủng bố Palestine”.

Cuộc “đấu khẩu” đã khiến cuộc họp không đưa ra được tuyên bố nào để yêu cầu Palestine và Israel chấm dứt bạo lực. Tuy nhiên, đại diện các bên tham dự cuộc họp đều đã lên tiếng về vấn đề này. Trợ lý Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, ông Tayé-Brook Zerihoun nói: “Chúng tôi kêu gọi các bên tôn trọng sự bất khả xâm phạm của tất cả các khu vực thần thánh, loại bỏ các thành tố cực đoan và theo đuổi chương trình nghị sự chính trị nhằm tìm kiếm giải pháp cho xung đột hiện nay. Nếu thành công, đây sẽ là kết quả ngoạn mục cho hòa bình giữa Israel và Palestine, cũng như là nguồn cổ vũ cho hòa bình khu vực”.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã bày tỏ lo ngại về bạo lực gia tăng giữa Israel và Paletstine. Phát biểu từ Washington trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-hye đang thăm Mỹ, Tổng thống Obama đã mạnh mẽ lên án các cuộc đụng độ bùng phát chủ yếu tại Jerusalem, Bờ Tây, Dải Gaza, khiến nhiều người dân vô tội thiệt mạng. Mặc dù cho rằng Israel có quyền duy trì luật pháp và trật tự cơ bản, cũng như bảo vệ thường dân khỏi các cuộc tấn công bằng dao và những vụ bạo lực trên đường phố, song Tổng thống Mỹ hối thúc lãnh đạo hai bên nỗ lực kiềm chế các hành động và phát ngôn “có nguy cơ châm ngòi bạo lực và sự hiểu lầm”. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh cách duy nhất để an ninh Israel thực sự được bảo đảm và người Palestine có thể đạt được mong muốn của mình là hai bên cần thống nhất việc “cùng nhau tồn tại trong hòa bình và an ninh”.

Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh vấn đề ưu tiên hiện tại là hai bên cần tập trung vào việc đảm bảo an toàn cho người dân vô tội. Trong khi đó, từ thành phố Milan (Italy) trong chuyến công du châu Âu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng ngày đã điện đàm với Thủ tướng Netanyahu nhằm thảo luận về cách thức tốt nhất để chấm dứt làn sóng bạo lực, cũng như đề xuất sự hỗ trợ của Washington trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng tại các khu vực của Israel và Palestine “càng sớm càng tốt”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.