Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông

Thứ Ba, 12/07/2016, 16:39
Ngày 12-7, Trọng tài Thường trực tuyên bố không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các tài nguyên bên trong cái gọi là "đường chín đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò" ở Biển Đông


Theo BBC, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague tuyên bố rằng không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã thực hiện việc kiểm soát độc quyền trên vùng biển  hay tài nguyên (trong đường lưỡi bò) như họ tuyên bố để đòi quyền lịch sử.

Theo đó "các thực thể " tại biển Đông hiện nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh không thể giúp Trung Quốc thành lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA)

Trong một phán ứng mới nhất, Bắc Kinh cho biết phán quyết trên là không có căn cứ. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ biển Đông (80%), nước này cũng đang liên tục tôn tạo và xây đảo nhân tạo trên tại khu vực này

Năm 2013, chính quyền Philippines đã khởi kiện cái gọi là "đường chín đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague. Theo Manila thì các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không phù hợp với  Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)

Trung Quốc nhiều năm nay giữ quan điểm về các tranh chấp tại Biển Đông nên được giải quyết qua đàm phán song phương tuy nhiên các nước khác tuyên bố cần đàm phán đa phương để mới có thể giải quyết triệt để các tranh chấp này.

Những diễn biến chính về vụ kiện

Ngày 22-1-2013: Philippines đệ đơn lên PCA để kiện Trung Quốc theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 về việc nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền (cái gọi là) “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn) đối với Biển Đông.

Ngày 19-2-2013: Trung Quốc nộp công hàm ngoại giao “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Nam Hải”, từ chối tham gia vụ kiện và trả lại thông báo của Philippines.

Ngày 27-8-2013: PCA ra Thông cáo báo chí yêu cầu Phillipines nộp Bản tranh tụng.

Ngày 30-3-2014: Philippines đã đệ trình lên PCA một biên bản ghi nhớ chi tiết, dài khoảng 4.000 trang, bao gồm những tư liệu chứng minh và bản đồ hỗ trợ việc tố tụng.

Ngày 3-6-2014: Đây là hạn cuối cùng PCA đưa ra cho Trung Quốc đệ trình Bản phản biện của bị đơn. Trung Quốc từ trước vẫn duy trì quan điểm không tham gia vào vụ việc và vì thế, cũng không đệ trình Bản phản biện của bị đơn.

Ngày 6-12-2014: Mỹ đưa ra Báo cáo về Giới hạn trên biển về cái gọi là đường 9 đoạn, trong đó xem xét các lập trường lịch sử của các bên và bác bỏ việc “thực thi liên tục” hoặc “thực thi có hiệu quả” chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trong khu vực trên.

Ngày 7-12-2014: Trung Quốc công bố “Văn kiện lập trường của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về vấn đề thẩm quyền trong vụ kiện Biển Đông do Cộng hòa Philippines khởi xướng”, trong đó tiếp tục khẳng định PCA thiếu thẩm quyền xem xét vụ kiện của Philippines.

Ngày 11-12-2014: Chính phủ Việt Nam đưa ra Tuyên bố về chủ quyền trên Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời yêu cầu PCA “cân nhắc đến lợi ích và quyền lợi pháp lý của Việt Nam”.

Ngày 16-3-2015: theo yêu cầu của PCA, Philippines lại gửi tiếp một bản lập luận bổ sung gồm 3.000 trang về một số vấn đề nhất định.

Từ ngày 7 - 13-7-2015: PCA tổ chức phiên tranh tụng đầu tiên về vấn đề thẩm quyền với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines.

Ngày 14-7-2015: Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Manila bỏ đơn kiện và giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh. Manila khước từ đề nghị.

Ngày 29-10-2015: PCA ra phán quyết về vấn đề thẩm quyền đối với 15 đệ trình Philippines kiện Trung Quốc, xác định mình có thẩm quyền đối với 7 đệ trình của Philippines, tập trung vào quy chế pháp lý của một số thực thể địa lý, hành vi Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough và nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển. PCA đồng thời bác bỏ các phản bác của Trung Quốc.

Từ ngày 23 - 31-11-2015, PCA tổ chức phiên tranh tụng về nội dung thực chất của vụ kiện.

Ngày 29-6-2016: PCA thông báo sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vào ngày 12-7-2016.


UNCLOS - cơ sở giải quyết tranh chấp biển giữa các quốc gia

Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 quy định mọi thứ từ chủ quyền quốc gia với việc khai thác tài nguyên biển, đi lại, cho đến giải quyết tranh chấp. Với 17 phần, 320 điều khoản và 9 phụ lục, UNCLOS bao trùm tất cả các khía cạnh quy định về đại dương và vùng biển, theo AFP. Theo Liên hợp quốc, UNCLOS “đặt ra một cách thức quản trị toàn diện về pháp luật và trật tự ở các đại dương và biển của thế giới, thiết lập các quy định cho tất cả việc sử dụng đại dương và nguồn tài nguyên của chúng”. 

UNCLOS được xem là luật về biển phổ quát nhất hiện này và có tính ràng buộc về pháp lý. UNCLOS cung cấp cho các quốc gia quyền kinh tế trọn vẹn đối với 200 hải lý (370,4 km) tính từ bờ biển của quốc gia đó, hay còn gọi là vùng đặc quyền kinh tế. Các tổ chức gồm Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Ủy ban đánh bắt cá voi quốc quốc tế (IWC) và Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế (ISA) đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các quy định của UNCLOS.

Ngoài Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), UNCLOS cũng thiết lập Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) tại Hamburg, Đức và Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ở The Hague, Hà Lan để xét xử những vấn đề liên quan đến UNCLOS. Cho tới nay, các phán quyết của tòa quốc tế dựa trên UNCLOS, dù có cơ chế thi hành hay không, đều được các bên có liên quan thực thi nghiêm túc, đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên các vùng biển.

UNCLOS hiện có 160 thành viên.


B.Nguyễn - K.Hà (theo BBC, Reuters)
.
.
.