Nóng bỏng cuộc đua vào ghế Thủ tướng Anh

Thứ Hai, 04/07/2016, 09:26
Với việc Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ rời khỏi vị trí hiện nay vào tháng 10, một cuộc chạy đua để trở thành Thủ tướng mới đang diễn ra nhanh chóng trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền.

Hiện tại, đã có ít nhất 5 người tuyên bố công khai làm ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng, trong đó có hai nữ chính trị gia. Người đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Anh sau ông David Cameron sẽ phải quyết định thời điểm kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước với Liên minh châu Âu (EU) và bắt đầu các cuộc đàm phán về mối quan hệ mới giữa Anh-EU.

Yếu tố bất ngờ

Trên thực tế, kể từ sau khi kết quả trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU (hay còn gọi là Brexit) được công bố, chính trường Anh đã bắt đầu nóng bởi tuyên bố từ chức của đương kim Thủ tướng David Cameron cũng như những đồn đoán về việc thay ban lãnh đạo trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. 

Tuy nhiên, cuộc chạy đua vào vị trí Thủ tướng lại thực sự trở thành đề tài thu hút sự chú ý của dư luận Anh và quốc tế khi Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove, đồng thời là một trong những lãnh đạo của phong trào ủng hộ Brexit bất ngờ tuyên bố trở thành ứng cử viên. 

Điều đáng nói là thông báo này được đưa ra sau khi ông Michael Gove “đánh úp” đồng minh thân thiết là cựu Thị trưởng London Boris Johnson, thủ lĩnh phe Brexit, người đang chuẩn bị tâm thế để trở thành Thủ tướng mới của Anh. 

Các ứng viên tham gia cuộc chạy đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền đồng thời là Thủ tướng nước Anh.  Ảnh: EPA

Chuyện là, sáng 30-6, chỉ vài tiếng trước khi ông Boris Hohnson có bài phát biểu “để đời” nhằm dọn đường đưa ông vào cuộc đua đến vị trí Thủ tướng Anh thì Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove đã đột ngột khẳng định ông sẽ tự ra tranh cử. Không những thế, ông Michael Gove còn đả kích cựu Thị trưởng London rằng ông sẽ không có đủ năng lực lãnh đạo và xây dựng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ trước mắt. 

Bộ trưởng Tư pháp Anh lý giải rằng, vì lợi ích đảng Bảo thủ và lợi ích của người dân Anh, ông tranh cử vì “muốn giúp đỡ xây dựng một đội ngũ có thể dẫn dắt nước Anh tới một tương lai tốt hơn”. 

Quá bất ngờ trước diễn biến này, ông Boris Johnson đã có cuộc gặp với các lãnh đạo đảng Bảo thủ và sau đó 2 tiếng đồng hồ thì ông phát biểu rằng: “Sau khi tham khảo ý kiến của đồng nghiệp và đánh giá hoàn cảnh thực tế trong Quốc hội, tôi đi đến kết luận rằng tôi không thể là Thủ tướng tương lai”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May, người ủng hộ Anh ở lại EU cũng tuyên bố tranh cử vị trí Thủ tướng. Bà Theresa May khẳng định rằng, nếu trở thành Thủ tướng, bà sẽ đưa nước Anh trở thành một quốc gia đoàn kết và thay đổi thời hậu Brexit. Bà cũng cho biết sẽ tôn trọng ý kiến của cử tri Anh, không tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ 2 mà tập trung vào việc cải cách các điều luạt sau khi nước này rời khỏi EU, đặc biệt là việc thắt chặt chính sách nhập cư. 

Hãng AP dẫn lời một nhà phân tích cho hay, Bộ trưởng Nội vụ Anh là một chính trị gia nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong đảng Bảo thủ. Hiện bà đang nhận được sự ủng hộ của phần lớn thành viên đảng Bảo thủ. Theresa May cũng là Bộ trưởng tại vị lâu nhất trong nội các Anh. 

Nữ chính trị gia 59 tuổi đầy kinh nghiệm này được đánh giá là có khả năng dung hòa sự chia rẽ trong chính giới Anh sau cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rời EU. Điều đặc biệt là nếu thắng cử, bà Thersea May sẽ trở thành nữ Thủ tướng thứ 2 của Anh sau bà Magaret Thatcher.

Và thử thách từ vấn đề hậu Brexit

Hãng tin Telegraph của Anh cho biết, việc đề cử các ứng viên để chạy đua vào vị trí người đứng đầu đảng Bảo thủ cầm quyền và cũng là Thủ tướng Anh đã kết thúc vào ngày 30-6. Nghĩa là Bộ trưởng Nội vụ Theresa May và Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove là những người cuối cùng tuyên bố tham gia tranh cử. 

Trước đó, Bộ trưởng Phúc lợi và Lao động xã hội Stephen Crabb (43 tuổi), Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom (53 tuổi) và cựu Bộ trưởng Nội các Liam Fox (54 tuổi) đã tự ứng cử. Kết quả cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền sẽ được công bố vào ngày 9-9. Từ nay đến thời gian đó, các ứng viên có 2 tháng để vận động tranh cử trước các cử tri là những người trong đảng Bảo thủ. 

Theo nhận định của giới quan sát, trong số 5 ứng viên của vị trí người đứng đầu số 10 phố Downing, có 3 người ủng hộ Brexit và 2 người chủ trương ở lại EU. Bộ trưởng Phúc lợi và Lao động xã hội Stephen Crabb ủng hộ ở lại EU, là một gương mặt rất trẻ nhưng đã có nhiều cố gắng trong việc vận động các cử tri bằng cam kết tạo ra sự thống nhất trong nội bộ đảng bảo thủ và trên cả nước sau Brexit. Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom thì có tham vọng thực hiện những kế hoạch của mình cho thời kỳ hậu Brexit do bà rất ủng hộ việc rời EU nhưng lại ít kinh nghiệm chính trường hơn Bộ trưởng Nội vụ Theresa May và Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove. 

Cựu Bộ trưởng Nội các Liam Fox được đánh giá là một ứng viên điềm tĩnh, khá ôn hòa. Ông này ủng hộ Brexit và cho rằng bất kỳ ai lên làm Thủ tướng đều phải làm theo nguyện vọng của người dân. Các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, dù là người đưa ra quyết định tranh cử cuối cùng, song bà Theresa May lại là ứng viên sáng giá nhất. 

Thậm chí, tờ The Guardian còn cho rằng bà dường như không có đối thủ vì có tới hơn 50% người được hỏi bày tỏ sự ủng hộ đối với Bộ trưởng Nội vụ. Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, một yếu tố bất ngờ của cuộc đua thì đứng thứ 2 nhưng lại chỉ nhận được có hơn 20% ủng hộ.

Tuy nhiên, các cuộc bầu cử luôn có những sự kiện bất ngờ. Mấu chốt của việc khiến cuộc bầu cử Thủ tướng Anh sẽ trở nên phức tạp chính là kế hoạch giải quyết Brexit mà từng ứng viên phải đưa ra. Hiện nay, các lãnh đạo thuộc EU đang hối thúc Anh nhanh chóng bắt đầu quy trình đàm phán ra khỏi liên minh này theo kết quả trưng cầu dân ý hôm 23-6.

Khánh Chi
.
.
.