Nỗ lực "hồi sinh" Hiệp định TPP của 11 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương

Thứ Năm, 13/07/2017, 08:58
Ngày 12-7, đại diện của 11 quốc gia thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngoại trừ Mỹ đã nhóm họp tại thành phố Hakone, Nhật Bản để bàn cách "hồi sinh" thỏa thuận thương mại này.

Hãng tin News & Observer cho biết, cuộc họp lần này do Nhật Bản đăng cai tổ chức sẽ kéo dài 2 ngày và được tổ chức tiếp sau thỏa thuận thương mại Nhật Bản-Liên minh châu Âu (EU) vừa ký kết hồi tuần trước. Bài viết trên tờ báo này còn khẳng định, thỏa thuận thương mại Nhật Bản-EU được coi như là một sự phản đối Mỹ vì đã rút khỏi TPP.

Cùng với thỏa thuận này, Nhật Bản cũng đã chọn một nhà đàm phán mới cho các cuộc đàm phán TPP là Kazuyoshi Umemoto, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Italia. Trong khi đó, hãng AP đưa tin, sau cuộc gặp của các Bộ trưởng thương mại 11 nước hồi tháng 5 vừa qua, các nước còn lại trong TPP đã nhất trí hoàn thiện công tác chuẩn bị trước tháng 11 để đưa Hiệp định vào hiệu lực. Vì thế, trong những ngày họp bàn tại thị trấn suối nước nóng nổi tiếng Hakone của Nhật Bản, đại diện các nước sẽ bàn bạc xem liệu có nên thay đổi các yêu cầu để đưa TPP vào hiệu lực mà không xem xét các nội dung khác hay không.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang nỗ lực đưa "TPP 11" đi vào hiệu lực. Ảnh: Reuters.

Về khả năng kêu gọi một vòng đàm phán mới do Mỹ rút khỏi TPP, nhiều quốc gia đều tỏ ý ngần ngại. Theo quy định hiện hành, để TPP có hiệu lực, phải có ít nhất 6 quốc gia, chiếm 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 12 nước ban đầu ký TPP, chính thức thông qua thỏa thuận. GDP của Mỹ chiếm gần 62% GDP nên khi Tổng thống Donald Trump ký mệnh lệnh hành pháp về việc sớm rút khỏi TPP vốn đã kết thúc đàm phán dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhiều người đã lo ngại Hiệp định này bị đổ bể. Nhưng các thành viên còn lại của TPP đã nỗ lực hết mình với hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong việc tìm kiếm một thỏa thuận thay thế mà không cần sự tham gia của Mỹ.

Thỏa thuận này được dự kiến gọi là "TPP 11" hoặc "TPP 12-1". Hạn cuối cho thỏa thuận này là trước cuộc gặp của lãnh đạo 11 nước TPP bên lề Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 11 tới.

TPP là một hiệp định được ký kết vào ngày 4-2-2016 giữa 12 nước sau 5 năm đàm phàn với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký từ năm 2005 và có hiệu lực ngày 28-5-2006. Sau đó thêm 5 nước đàm phán để gia nhập gồm Australia, Malaysia, Peru, Mỹ và Việt Nam. Nhật Bản và Mexico tán thành lời đề nghị tham gia hiệp định này vào năm 2010.

Mục tiêu ban đầu của TPP là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Cho đến tháng 10-2015, các nước mới đạt được thỏa thuận và đang trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Đến nay, dù Mỹ đã tuyên bố rút khỏi TPP nhưng Nhật Bản và New Zealand vẫn phê chuẩn Hiệp định này. Một số quốc gia khác tuy có thái độ lưỡng lự song vẫn đang nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho TPP.

Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray Caso trong một cuộc họp báo chung với những người đồng cấp hồi tháng 2 đã nhấn mạnh: "Chúng tôi quyết định cùng nhau tiến lên phía trước, đặc biệt với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Việc một thành viên rất quan trọng của TPP rút lui mở ra nhiều cơ hội mới". Đồng thời, ông Videgaray Caso cũng thừa nhận rằng các thành viên TPP không loại trừ khả năng về một thỏa thuận "TPP phiên bản 2.0".

Chưa hết, hồi tháng 5 vừa qua, bên lề Hội nghị Bộ trưởng phụ trách thương mại (MRT)- APEC, Bộ trưởng các nước thành viên TPP cũng đã nhóm họp để thảo luận và ra tuyên bố chung. Theo đó, các Bộ trưởng cũng đã khẳng định lại kết quả cân bằng và tầm quan trọng về mặt kinh tế, chiến lược của TPP cũng như nhấn mạnh các nguyên tắc, tiêu chuẩn cao của Hiệp định là thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các nước thành viên, tạo thêm cơ hội cho người lao động, các hộ gia đình, nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đặc biệt, tại đây, các Bộ trưởng cũng không loại trừ khả năng mở rộng TPP cho các nền kinh tế khác tham gia nếu họ có thể chấp nhận các tiêu chuẩn cao của Hiệp định. Những nỗ lực này được cho là sẽ giải quyết các mối quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ, duy trì mở cửa thị trường, củng cố hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy tắc chung, thúc đẩy thương mại toàn cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Huyền Chi
.
.
.