Nhật Bản sẽ đăng cai Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2?
- Những "trùm tình báo" phía sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều
- Singapore thu lợi nửa tỷ USD từ thượng đỉnh Mỹ -Triều
Giới học giả nhận định, bước đi này phản ánh việc Tokyo không muốn bị đứng ngoài các cuộc đối thoại đang ngày càng được thúc đẩy bởi Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên và Mỹ.
Mỹ đang cân nhắc địa điểm tổ chức
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9-10 (giờ địa phương) chính thức xác nhận, cuộc gặp lần thứ 2 giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được tổ chức sau khi Washington kết thúc cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 6-11 tới.
Ông Trump nêu rõ: “Cuộc gặp sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Hiện tôi vẫn chưa thể tiến hành được”.
Trong bối cảnh này, ngày 10-10, Nhật báo Kuynghyang Shinmun của Hàn Quốc trích dẫn một nguồn tin thân cận tiết lộ, phía Nhật Bản đã ngỏ ý về việc nước này sẵn sàng đăng cai tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2.
Nguồn tin cũng đồng thời cho hay, Triều Tiên đã phản hồi tích cực đối với đề nghị nêu trên và Nhật Bản đang cân nhắc lựa chọn một khu nghỉ mát ở ngoại ô Tokyo làm địa điểm tổ chức.
Nhật Bản được cho là đang rục rịch chuẩn bị đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2. (Ảnh AP) |
Các chuyên gia lý giải, động cơ của việc này chính là bởi Tokyo không muốn bị đứng ngoài các cuộc đối thoại đang ngày càng được thúc đẩy đối với vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Tổng thống Trump cho biết, công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 với nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang được thực hiện. Ông Trump còn nhấn mạnh tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đã có nhiều tiến triển “không thể tin được”.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo vừa có chuyến thăm Bình Nhưỡng và gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với kết quả được đánh giá là tốt đẹp.
Hiện tại, phía Mỹ cũng đang cân nhắc các địa điểm tổ chức sự kiện quan trong này. Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho biết Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới có thể sẽ không diễn ra ở Singapore, nơi tổ chức hội nghị đầu tiên vào tháng 6 vừa qua.
Ông cũng không loại trừ khả năng địa điểm tổ chức sẽ là ngay tại Mỹ hoặc Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh thời điểm diễn ra cuộc gặp sẽ không quá xa.
Tokyo tìm kiếm một Thượng đỉnh Nhật – Triều?
Tính tới thời điểm hiện tại, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành tổng cộng ba cuộc gặp thượng đỉnh và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ông Kim Jong-un cũng đang rục rịch chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2.
Điều này phản ánh một vấn đề thực chất, rằng việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã đạt được những bước đi vô cùng tích cực, cụ thể là việc ông Kim Jong-un cho phép các thanh sát viên quốc tế tới thị sát Punggye-ri, khu vực thử tên lửa hạt nhân quan trọng của Triều Tiên vốn đã được dỡ bỏ hồi tháng 5 vừa qua ngay khi hoàn thành công tác hậu cần.
Về vấn đề này, Nhật báo Kuynghyang Shinmun đặt ra một câu hỏi lớn, rằng trước những thay đổi mang tính tích cực nêu trên thì liệu Nhật Bản sẽ tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn đối với Bình Nhưỡng hay không.
Giới quan sát dự đoán, nếu Nhật Bản trở thành chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2, thì Thủ tướng Shinzo Abe có khả năng sẽ tổ chức hội đàm song phương với ông Kim Jong-un và có thể đạt được một số thỏa thuận về vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc cách đây nhiều thập kỷ.
“Ông Shinzo Abe, người quyết tâm giải quyết vấn đề bắt cóc với Triều Tiên, đang thăm dò khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên có các động thái nhằm xây dựng quan hệ gần gũi hơn với lãnh đạo các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ”, Kuynghyang Shinmun trích dẫn một nguồn giấu tên.
Hôm 27-9, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản và Triều Tiên đã có cuộc hội đàm lần đầu tiên trong ba năm qua (kể từ tháng 8-2015), giữa bối cảnh giới quan sát đang kỳ vọng Bình Nhưỡng sẽ bắt đầu thực hiện các bước đi phi hạt nhân hóa và tham gia đối thoại khu vực nhiều hơn.
Nói với các phóng viên, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết, ông đã có cuộc gặp mặt ngắn khoảng 20 phút với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho tại trụ sở Liên Hợp Quốc.
Trong cuộc gặp nói trên, Ngoại trưởng Kono được cho là đã truyền đạt quan điểm của Nhật Bản về việc sẽ trợ giúp kinh tế cho Triều Tiên, khi nước này có hành động tháo dỡ tên lửa và chương trình hạt nhân, đồng thời giải quyết những tranh cãi xoay quanh cáo buộc bắt cóc các công dân Nhật Bản mà hai nước bất đồng trong quá khứ.
“Để giải quyết vấn đề bắt cóc, Nhật Bản và Triều Tiên cần nói chuyện trực tiếp”, một nhà ngoại giao cao cấp của Nhật Bản giấu tên cho hay.
Trước đó, có thông tin cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp Thượng đỉnh Liên Triều ở Bình Nhưỡng rằng, ông đã sẵn sàng tham gia đàm phán trực tiếp với Nhật Bản vào một thời điểm thích hợp.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha phát biểu với các nghị sỹ nước này ngày 10-10 rằng, chính quyền Hàn Quốc đang xem xét việc liệu có dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt của Seoul đối với Bình Nhưỡng hay không.
“Việc xem xét vấn đề này đang được tiến hành với sự tham vấn của các chính phủ khác có liên quan”, bà Kang Kyung-wha nhấn mạnh. Được biết, các lệnh trừng phạt này, còn được gọi là Biện pháp ngày 24-5, được áp đặt sau vụ tấn công bằng ngư lôi của Triều Tiên vào một tàu chiến của Hàn Quốc năm 2010 gây nhiều thương vong. Các lệnh trừng phạt nêu trên ngăn cấm gần như toàn bộ hợp tác kinh tế giữa Seoul với Bình Nhưỡng.