Nhà ga bị phá hủy trong vụ khủng bố 11-9 chính thức được mở lại

Thứ Ba, 11/09/2018, 07:20
Khi bị tấn công ngày 11-9-2001, tòa tháp đôi WTC tại New York đã đổ sập xuống và chôn vùi nhiều công trình lân cận, trong đó có trạm dừng tàu điện ngầm trên phố Cortlandt.
Việc mở lại Ga Cortlandt thể hiện sự vực dậy của New York 17 năm sau thảm họa 11-9. Ảnh AP

Nhiều năm sau vụ tấn công khủng bố, trạm dừng này từng nằm im lìm và thiếu vắng trên bản đồ của hệ thống tàu điện ngầm của thành phố New York, ngay cả khi Trung tâm thương mại Một thế giới mọc lên tại thành phố này cách đây ít năm.

Tuy vậy, Cơ quan Giao thông Vận tải Metropolitan (MTA), đơn vị điều hành hệ thống tàu điện ngầm toàn thành phố New York, thông báo nhà ga Cortlandt đã được khánh thành hôm 8-9, với tên gọi mới là WTC Cortlandt.

Tờ New York Times cho biết, ga tàu trị giá 181,8 triệu USD, được trang trí bằng nhiều bức khảm đặc biệt do nghệ sĩ Ann Hamilton thể hiện bao gồm nguyên văn Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776.

Ga tàu điện ngầm này từng bị chôn vùi và đắp chiếu suốt nhiều năm liền. Ảnh Getty Images

Ông Joseph Lhota, Chủ tịch MTA, phát biểu: “WTC Cortlandt nằm ở khu vực dân cư đông đúc và sôi động, bởi vậy việc mở lại nhà ga này chính là một dấu mốc quan trọng trong sự phục hồi và tăng trưởng tại Manhattan. Đây không chỉ là một ga tàu điện ngầm mới, mà còn là  biểu tượng cho sự phục hồi của người dân New York trong việc cải thiện lại Trung tâm thương mại lớn nhất thế giới này”.

Sở dĩ, WTC Cortlandt phải mất gần 20 năm mới có thể mở cửa trở lại vì nhà chức trách Cảng quá bận rộn tái thiết phần còn lại của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới.

Giám đốc Trung tâm Rudin về Chính sách và Quản lý Giao thông tại Đại học New York chia sẻ: “Việc vừa phải xây dựng lại nhà ga cùng lúc tái thiết lại tòa nhà bên trên là thách thức rất lớn”, do đó chậm trễ là điều khó tránh khỏi.

Ga Cortlandt, nay là WTC Cortlandt, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1918, tuy nhiên sau đó lại bị phá bỏ để tiện cho việc xây dựng Trung tâm thương mại thế giới vào những năm 1960.

Duy Tiến
.
.
.