Người dân Mỹ chưa bao giờ nguôi ký ức về vụ tấn công 11-9

Thứ Tư, 12/09/2018, 11:16
Người dân Mỹ ngày 11-9 (giờ địa phương) đã tổ chức hàng loạt những hoạt động để kỷ niệm 17 năm vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, tưởng niệm những nạn nhân xấu số và cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Người dân Mỹ ngày 11-9 đã tổ chức lễ kỷ niệm 17 năm ngày diễn ra vụ khủng bố 11-9-2001 với các hoạt động tưởng nhớ và một số dự án tình nguyện. Một đài tưởng niệm mới cho các nạn nhân cũng vừa khánh thành tại bang Pennsylvania hôm 8-9.
Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump đến dự lễ kỷ niệm tại Shanksville, Pennsylvania, nơi một trong những chiếc máy bay bị không tặc trong vụ khủng bố rơi xuống, làm 40 người thiệt mạng. Vào thời điểm khi phi hành đoàn và hành khách trên chiếc máy bay này nhận ra chuyện gì đang xảy ra, một số hành khách cố gắng đột nhập buồng lái, giành lại quyền kiểm soát máy bay và tự nguyện hy sinh chứ không để những tên khủng bố đạt được mục tiêu.

"Nơi đây giờ trở thành biểu tượng cho sự bất khuất của người Mỹ. Đài tưởng niệm này giờ đây là thông điệp gửi tới thế giới: người Mỹ sẽ không bao giờ khuất phục trước sự bạo ngược", ông Trump tuyên bố trong bài phát biểu tưởng niệm của mình.

"Khi bước lên máy bay đó họ là người xa lạ nhưng họ đi vào vĩnh cửu là những người hùng thực sự", Tổng thống Mỹ phát biểu.

Một người lính Mỹ quỳ gối trước tấm ảnh người anh họ của mình tại lễ tưởng niệm được tổ chức ở Khu tưởng niệm và Bảo tàng 11-9 quốc gia ở New York ngày 11-9

Vụ khủng bố xảy ra vào năm 2001 khi nhóm không tặc thuộc tổ chức Hồi giáo al-Qaeda lái hai phi cơ lao vào Tòa Tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, New York, khiến cả hai tòa tháp cao 110 tầng sụp đổ và gần 3.000 người thiệt mạng. 

 Trong số hai máy bay dân dụng bị kiểm soát khác có một chiếc đâm vào Lầu Năm Góc, chiếc còn lại rơi xuống cánh đồng gần thị trấn Shanksville,  bang Pennsylvania.
Thiệt hại của vụ tấn công khủng bố không chỉ là những con số khổng lồ mất mát về tài sản mà còn là những con người bị vùi lấp trong đống đổ nát của niềm tự hào nước Mỹ một thời. 3.000 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương. Những hệ lụy về sức khỏe vẫn còn đeo bám những người sống sót sau thảm họa khi tỷ lệ người mắc ung thư có liên quan đến vụ tấn công này ngày càng gia tăng
17 năm sau vụ tấn công khủng bố, vẫn còn hơn 1.000 nạn nhân chưa thể xác định được danh tính. Tuy vậy, một số tiến bộ gần đây trong phân tích DNA đã mở ra hy vọng mới cho những gia đình ở Mỹ có thể xác nhận được người thân là nạn nhân trong vụ tấn công 11-9.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tham dự lễ tưởng niệm tại trụ sở Lầu Năm Góc, nơi cũng từng là mục tiêu của vụ tấn công 11-9
Dịp kỷ niệm năm nay diễn ra vào lúc cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang trong giai đoạn cao trào. Song đã có những nỗ lực để tách biệt việc tổ chức tưởng niệm với các chiến dịch tranh cử
17 năm trôi qua, nỗi đau dường như vẫn chưa nguôi trong lòng nhiều người dân Mỹ. 
Đối với 1/4 dân số Mỹ hiện nay, thời điểm xảy ra vụ tấn công thì họ còn quá trẻ để có được thứ gọi là nhận thức về cuộc sống và hòa bình bị đe dọa. Nhưng những hoạt động tưởng niệm diễn ra hàng năm không phải chỉ là để than khóc cho những người đã nằm xuống mà còn là để thế hệ trẻ của Mỹ ý thức được giá trị của hòa bình mà họ đang được hưởng, theo Reuters

 Ngay sau lễ kỷ niệm vào năm ngoái, một chiếc xe tải đã lao vào đám đông gần Trung tâm Thương mại Thế giới, khiến 8 người thiệt mạng. Nghi phạm được cho là lấy cảm hứng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Dường như sau những nỗ lực cải cách và tăng cường sức mạnh cho lực lượng bảo vệ an ninh, cái bóng khủng bố vẫn là nỗi ác mộng kinh hoàng đối với người dân Mỹ. 


Duy Tiến (Ảnh: AP, Reuters)
.
.
.