Người Armenia đốt nhà, rời bỏ khu vực sắp do Azerbaijan kiểm soát

Chủ Nhật, 15/11/2020, 09:13
Garo Dadevusyan, một người dân sống tại ngôi làng của người thiểu số Armenia sắp nằm dưới sự kiểm soát của Azerbaijan, đã tạm biệt một cách đầy cay đắng với nơi từng gắn bó 21 năm.

Nhiều ngôi nhà trong làng bị phóng hỏa. Ảnh AP. 

Dadevusyan kéo từng tấm lợp mái và châm lửa đốt ngôi nhà bằng đá của mình. Những làn khói xám dày đặc bay lên từ nhà của ông cũng như nhiều ngôi nhà khác trong khu vực. Người dân ở đây đốt nhà trước khi rời bỏ nơi này, ngôi làng sắp nằm dưới sự kiểm soát của Azerbaijan vào ngày 15/11.

Ngôi làng sẽ được chuyển giao cho Azerbaijan như một phần của các nhượng bộ về lãnh thổ theo khuôn khổ thỏa thuận chấm dứt 6 tuần giao tranh dữ dội với các lực lượng của Armenia. Động thái này khiến 600 người sợ hãi và tức giận đến mức phá hủy những ngôi nhà họ trú ngụ trong nhiều năm.

Khu định cư - được Armenia gọi là Karvachar - là một phần hợp pháp của Azerbaijan, nhưng nó đã nằm dưới sự kiểm soát của người dân tộc Armenia kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh ở khu vực Nagorno-Karabakh năm 1994. Cuộc chiến đó không chỉ để lại Nagorno-Karabakh mà còn lãnh thổ xung quanh đáng kể vào tay Armenia.

Sau nhiều năm nổ ra các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa các lực lượng Azerbaijan và Armenia, giao tranh toàn diện bắt đầu vào cuối tháng 9 năm nay. Azerbaijan đã có những bước tiến quân sự không ngừng, với đỉnh cao là việc chiếm giữ thành phố Shusha, một thành phố quan trọng về mặt chiến lược và là một trong những trung tâm văn hóa lâu đời của Azerbaijan.

Hàng dài xe chở những người dân rời khỏi nơi ở. Ảnh AP. 

Hai ngày sau khi Azerbaijan tuyên bố đã chiếm Shusha, Armenia và Azerbaijan đã ký một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian, theo đó lãnh thổ mà Armenia chiếm đóng bên ngoài biên giới chính thức Nagorno-Karabakh sẽ dần được nhượng lại.

Người Azerbaijan theo đạo Hồi và người Armenia theo đạo Thiên chúa đã từng sống cùng nhau ở những vùng này, tuy nhiên cũng không dễ dàng gì. Mặc dù kết thúc cuộc giao tranh, lệnh ngừng bắn làm trầm trọng thêm sự thù địch của giữa các nhóm người tại đây.

Armenia và Nga giữ mối quan hệ chặt chẽ và Nga có một căn cứ quân sự lớn ở Armenia, vì vậy nhiều người Armenia đã hy vọng vào sự hỗ trợ từ Moscow. Thay vào đó, Nga đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc ngừng bắn và nhượng bộ lãnh thổ và đang cử gần 2.000 lính gìn giữ hòa bình để thực thi thỏa thuận.

Ngày 14/11, những hàng ô tô và xe tải dài hàng km chở những người dân bỏ trốn đã làm tắc nghẽn con đường tới Armenia.

Duy Tiến (Theo AP)
.
.
.