Nga- Nhật "chật vật" tìm kiếm thoả thuận hoà bình vĩnh viễn
- Tranh chấp lãnh thổ Nga - Nhật: Vẫn bế tắc
- Nam Kuril ngáng trở hiệp ước hòa bình Nga – Nhật
- Điều gì đang cản đường Nga - Nhật tìm kiếm một hiệp ước hòa bình?
Nga-Nhật mới đây một lần nữa mở cơ hội đàm phán tìm kiếm thoả thuận hoà bình khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và người đồng cấp Nhật Bản Takeo Mori sẽ gặp nhau ở Moscow ngày 6-11 tới để thảo luận về các hoạt động kinh tế chung của hai nước tại nhóm 4 đảo tranh chấp trên Thái Bình Dương mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, theo Sputnik.
Nhóm 4 đảo tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản trên Thái Bình Dương. Ảnh: DW |
"Trong các cuộc hội đàm, hai bên sẽ tập trung vào các vấn đề như ký kết hiệp ước hòa bình và đặc biệt là tiến hành các hoạt động kinh tế chung", thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định.
Hồi đầu tháng 10, ông Morgulov nói rằng chuyến thăm của ông Motegi diễn ra vào cuối năm nay. Việc nó được tiến hành ngay đầu tháng 11 cho thấy cả hai bên đang sốt ruột muốn đi đến một thoả thuận kết thúc tình trạng chiến tranh, vốn chưa từng được nêu trong một hiệp ước hoà bình thực sự nào từ sau Thế chiến II.
Chỉ tính từ khi Tổng thống Vladimir Putin nhậm chức nhiệm kỳ 3 năm 2012, nhà lãnh đạo Nga đã gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ít nhất 27 lần, bao gồm cuộc gặp gần nhất ở Vladivostok của Nga bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông, song hai bên chưa thể tìm được hướng đi phân định chủ quyền của nhóm 4 đảo tranh chấp.
Hồi tháng 1-2019, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng ông có thể chấp nhận một hiệp ước hòa bình với Nga nếu Moscow trao lại cho Tokyo hai trong số 4 đảo tranh chấp. Cách tiếp cận này được cho là đánh dấu một sự thay đổi trong lập trường lâu nay của Tokyo rằng Nga phải trả lại toàn bộ nhóm đảo.
Tuy nhiên, quan điểm đó vẫn chưa được người Nga chấp thuận. Giới lãnh đạo Nga khẳng định rất khó đặt bút kí một thoả thuận mà người dân không đồng ý. Thăm dò dư luận ở Nga cho biết nhiều người dân nước này không mấy mặn mà với ý định chia đảo tranh chấp cho Nhật để đổi lại một hiệp ước hoà bình.
Hiện tại, Nga và Nhật Bản đã đồng ý thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung trên chuỗi đảo tranh chấp trong nhiều lĩnh vực. Moscow muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, nâng kim ngạch thương mại lên 30 tỷ USD để tạo không khí thuận lợi cho đàm phán.
Nhật Bản đồng ý với đề nghị này. Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Tokyo muốn nhanh chóng ký kết hiệp ước hòa bình vì cả hai nước đều không muốn để lại vấn đề này cho thế hệ sau và rằng hiệp ước trên là con đường tốt nhất dẫn đến mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn.