Nga - Nhật Bản "sốt sắng" tìm kiếm hoà bình vĩnh viễn
- Tranh chấp lãnh thổ Nga - Nhật: Vẫn bế tắc
- Nam Kuril ngáng trở hiệp ước hòa bình Nga – Nhật
- Nhật Bản quyết tâm đàm phán bền bỉ với Nga để giải quyết vấn đề Kuril
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi ngày 10-12 thông báo ông sẽ có chuyến công du kéo dài đến 5 ngày tới thủ đô Moscow của Nga vào tuần tới để thảo luận người đồng cấp nước chủ nhà Sergei Lavrov về hiệp ước hòa bình giữa hai nước, theo NHK.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi. Ảnh: Nikkei |
Chuyến công du, dự kiến bắt đầu ngày 17-12, là lần đầu tiên ông Motegi đến Nga kể từ khi ông được chuyển từ vị trí Bộ trưởng Kinh tế sang Bộ trưởng Ngoại giao hồi tháng 9 trong cuộc cải tổ Chính phủ Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe.
Trước thềm chuyến đi, ông kỳ vọng cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga sẽ khởi động các cuộc đàm phán thực sự về tranh chấp lãnh thổ trên Thái Bình Dương, từ đó tiến đến việc ký một thoả thuận hoà bình giữa hai nước.
Theo kế hoạch, ông Motegi cũng sẽ gặp Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maksim Oreshkin để tiếp tục các cuộc thảo luận hợp tác kinh tế, vốn đã được khởi động bởi Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov tháng trước.
Các nhà quan sát đánh giá, việc Nga và Nhật Bản tăng số lượng cuộc gặp giữa giới chức cấp cao cho thấy cả hai bên đang sốt ruột đi đến một thoả thuận kết thúc tình trạng chiến tranh, vốn chưa từng được nêu trong một hiệp ước hoà bình nào từ sau Thế chiến II.
Nhóm 4 đảo tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản trên Thái Bình Dương. Ảnh: DW |
Chỉ tính từ khi Tổng thống Vladimir Putin nhậm chức nhiệm kỳ 3 năm 2012, nhà lãnh đạo Nga đã gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ít nhất 27 lần, bao gồm cuộc gặp gần nhất ở Vladivostok của Nga bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông, song hai bên chưa thể tìm được hướng đi phân định chủ quyền của nhóm 4 đảo tranh chấp trên Thái Bình Dương.
Hồi tháng 1-2019, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng ông có thể chấp nhận một hiệp ước hòa bình với Nga nếu Moscow trao lại cho Tokyo hai trong số 4 đảo. Cách tiếp cận này đánh dấu sự thay đổi trong lập trường của Tokyo rằng Nga phải trả lại toàn bộ nhóm đảo.
Tuy nhiên, quan điểm đó vẫn chưa được Nga chấp thuận. Giới lãnh đạo Nga khẳng định rất khó đặt bút kí một thoả thuận mà người dân không đồng ý. Thăm dò dư luận ở Nga cho biết phần đông dân chúng không mặn mà với ý định chia đảo tranh chấp cho Nhật để đổi lại một hiệp ước hoà bình nếu điều đó không mang lại thay đổi rõ rệt nào.
Hiện Nga và Nhật Bản đã đồng ý thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung trên chuỗi đảo tranh chấp trong nhiều lĩnh vực. Moscow muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, nâng kim ngạch thương mại lên 30 tỷ USD để tạo không khí thuận lợi cho đàm phán. Nhật Bản đồng ý với đề nghị này.