Ông Donald Trump: NATO là một thỏa thuận tồi đối với nước Mỹ

Thứ Hai, 21/11/2016, 08:56
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã tuyên bố như vậy vào thời điểm khi ông đang thực hiện chiến dịch tranh cử. Cụ thể, ông Trump muốn sửa đổi một số quy định trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì cho rằng, liên minh quân sự này là “lỗi thời” và một thỏa thuận tồi đối với nước Mỹ, đồng thời chỉ trích các nước đồng minh NATO không chi đủ tiền cho quốc phòng, trong khi Mỹ phải trả quá nhiều.


Ông Trump khẳng định, nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của ông, sẽ không nhất thiết phải triển khai viện trợ cho NATO nếu các nước thành viên bị tấn công, mà trước tiên là phải xem xét mức độ đóng góp của những nước thành viên NATO cho liên minh này, và rằng, Washington sẽ chỉ hỗ trợ các đồng minh nếu những nước này “đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ đối với Mỹ”.

Những tuyên bố này của ông Trump đã khiến nhiều nước thành viên NATO lo ngại về một tương lai bất định. Mối quan ngại này càng tăng lên khi ông Trump dành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 8-11 và được thể hiện rõ tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax mới diễn ra hôm 18-11 ở Nova Scotia, miền Đông Canada.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Diễn đàn Halifax. (Ảnh: Time).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Harjit Sajjan và người đồng cấp Anh Michael Fallon kêu gọi các đồng minh quân sự chủ chốt không nên quá lo lắng trước những thay đổi sắp tới. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Canada khẳng định, Ottawa sẽ tiếp tục đóng góp cho NATO, nhưng không cho biết có kế hoạch tăng thêm trong thời gian tới hay không.

Theo quy định của NATO, các nước thành viên phải chi tổi thiểu 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho ngân sách quốc phòng nhưng Canada hiện chỉ dành 1% cho việc này. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Anh thì khẳng định, việc Tổng thống Mỹ ép các nước tăng thêm chi tiêu quân sự là điều “bình thường”, bởi bản thân NATO cũng đang tranh cãi về việc chia sẻ gánh nặng chi phí bảo vệ an ninh châu Âu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Fallon hi vọng “chính phủ mới tại Mỹ sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của các tổ chức và liên minh quốc tế, bao gồm cả liên minh NATO, để có thể giữ hòa bình cho châu Âu và thế giới”. 

Trong khi đó, phát biểu bên lề Diễn đàn Halifax, Tổng thư ký (TTK) NATO Jens Stoltenberg khẳng định “hoàn toàn tin tưởng rằng, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong NATO, duy trì cam kết của Mỹ bảo đảm an ninh cho châu Âu.

Điều này không chỉ đóng vai trò quan trọng với châu Âu mà với cả phía Mỹ”. Và mối quan hệ Mỹ - NATO có vẻ trở nên lạc quan hơn sau cuộc thảo luận tích cực diễn ra sau đó cùng ngày giữa TTK NATO và ông Trump về tương lai của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này.

Tổng thống Mỹ sắp mãn hạn Barack Obama cũng đã trấn an các đồng minh rằng, ông Trump sẽ duy trì giá trị cốt lõi trong các mối quan hệ chiến lược của Mỹ trên khắp thế giới, trong đó có NATO, ngay khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 năm sau: “Tôi tin tưởng tổng thống đắc cử sẽ có quan điểm rằng, NATO là một cam kết không thể thay đổi và ông ấy sẽ thực hiện hết trách nhiệm của Mỹ trong NATO với vai trò là một thành viên sáng lập đối với an ninh quốc tế. Đây là điều rất quan trọng”.

Trước đó, hôm 13-11, tờ Spiegel của Đức đưa tin, NATO lo ngại rằng, khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ sẽ cắt giảm sự hiện diện của quân đội nước này tại châu Âu. Theo dữ liệu của báo này, đó là một trong những kịch bản được mô tả trong báo cáo của Ban tham mưu TTK NATO cùng với lo ngại lớn về khả năng tỷ phú Mỹ thắng cử.

Nguồn tin trên nêu rõ: “Không ở đâu mà nỗi lo ngại về việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ lại lớn như ở NATO”.

Theo Spiegel, ông Stoltenberg có vẻ đã dự báo rằng, Tổng thống Mỹ sẽ là bà Hillary Clinton, và tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào mùa xuân, ông sẽ chúc mừng bà Clinton về thắng lợi trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, sau chiến thắng của ông Trump, NATO phải quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào mùa hè năm tới, sự kiện trước đó dự định tiến hành vào mùa xuân tới.

Ngoài việc triệu hồi binh sĩ Mỹ, bộ phận tham mưu của ông Stoltenberg còn tính đến kịch bản tiềm năng khác, đó là việc ông Trump có thể thay đổi việc đồng ý cho điều chuyển luân phiên quân đội Mỹ ở Đông Âu.

Kịch bản “thuận lợi” hơn cả được đề cập trong báo cáo của ban tham mưu dựa trên lập luận rằng, có thể tân Tổng thống Mỹ sẽ chỉ thuần túy nhấn mạnh yêu cầu các nước châu Âu gia tăng chi tiêu quốc phòng của chính họ.

Mặc dù lo ngại về những tuyên bố của ông Trump, nhưng NATO vẫn hoài nghi về khả năng Mỹ sẽ quay lưng với liên minh quân sự này. Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO, Tướng Petr Pavel, cho rằng, việc tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nói Mỹ sẽ từ bỏ cam kết về hiệp ước với NATO là không nghiêm túc vì hiệp ước này là ràng buộc và quan trọng đối với Mỹ và các đồng minh của mình.

Theo ông Pavel, điều khoản phòng vệ tập thể của Điều 5 Hiệp ước NATO là rất rõ ràng và NATO có trách nhiệm bảo vệ các quốc gia thành viên vô điều kiện trong trường hợp các nước này bị tấn công. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã có 70 năm lịch sử, khẳng định hiệp ước này có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ cũng như là các đồng minh và mang tính ràng buộc mà không tổng thống Mỹ nào sẽ “dám” thay đổi.

Liên quan tới tuyên bố các nước thành viên NATO phải “đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ đối với Washington”, Tướng Pavel đồng ý rằng, nước Mỹ đang phải gánh vác phần lớn hơn các nước và cho rằng, “hoàn toàn chính đáng” rằng NATO nên tăng áp lực để các thành viên khác đáp ứng nghĩa vụ tài chính với khối. 

Tuy nhiên, ông chỉ trích các phát biểu của ông Trump cho rằng sự tồn tại của NATO là “lỗi thời” và hy vọng Tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ chừng mực hơn trong các tuyên bố của mình trong tương lai.

Minh Nhật (tổng hợp)
.
.
.