Mỹ dồn lực cho cuộc chiến "chống gián điệp thương mại" với Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh các nỗ lực đáp trả các hành động gián điệp kinh tế của Trung Quốc, đồng thời công bố một sáng kiến mới nhằm chống nạn “ăn cắp thương mại” và đưa ra những cáo buộc có liên quan đến những hành vi phạm tội nhằm vào một công ty bán dẫn ở Idaho.
Ảnh minh họa, Reuters. |
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 1-11 đã công bố về một cáo trạng đối với một công ty nhà nước Trung Quốc, một công ty của Đài Loan và ba cá nhân người Đài Loan đã âm mưu đánh cắp bí mật thương mại đối với công ty Micron của Mỹ, một công ty sản xuất chip điện tử.
“Các hoạt động gián điệp thương mại kinh tế của Trung Quốc nhằm vào các công ty của Mỹ ngày càng nhiều, và cũng đang tăng lên rất nhanh chóng. Chúng ta có mặt tại đây để tuyên bố rằng ‘quá đủ rồi’. Chúng ta sẽ không chịu đựng thêm nữa”, Bộ trưởng tư pháp Mỹ Jeff Sessions cho biết trong một cuộc họp báo.
Ba cá nhân người Đài Loan có tên trong bản cáo trạng từng làm việc cho chi nhánh của Micron tại Đài Loan. Những người này sau đí đã làm việc cho United Microelectronics Corporation ở Đài Loan, thời điểm mà họ bị cáo buộc đã dàn xếp để ăn cắp bí mật thương mại từ Macron.
Công ty của Đài Loan này có làm ăn với công ty Mạch Tích hợp Phúc Kiến Kim Hoa của Trung Quốc và chia sẻ công nghệ với nhau, theo Bộ Tư pháp Mỹ.
United Microelectronics chưa trả lời email yêu cầu trả lời câu hỏi từ phía CNN, trong khi đó thông tin liên lạc cụ thể của công ty Phúc Kiến Kim Hoa cũng không được tìm thấy trên trang web của công ty này, và trang web cũng có vẻ như là đang bị ngừng hoạt động vào chiều ngày 1-11.
Đại diện Micron cho biết công ty này hoan nghênh quyết định truy tố của Bộ Tư pháp. “Micron đã đầu tư hàng tỷ USD trong nhiều thập niên qua để phát triển những tài sản trí tuệ của mình. Hành động này được công bố ngày hôm nay củng cố rằng việc chiếm dụng tài sản trí tuệ một cách hình sự sẽ bị xử lý một cách thích hợp”.
Hôm 29-10, Mỹ cũng đưa ra một đòn mạnh đối với Phúc Kiến Kim Hoa, khi Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ hạn chế các công ty nước này bán phần mềm và công nghệ cho công ty Trung Quốc này. Lệnh cấm vận này có thể sẽ khiến công ty sản xuất chip này, vốn dựa lưng khá nhiều vào công nghệ nước ngoài, suy sụp đáng kể.
Cũng trong tuần qua Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội hai nhân viên tình báo của Trung Quốc cố gắng ăn cắp các chi tiết một loại công nghệ động cơ máy bay từ các công ty của Mỹ.
Những hành động này dường như đang thêm dầu vào lửa trong cuộc chiến thương mại Bắc Kinh – Washington. Hai siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới đang đánh qua lại những mức thuế cao ngất ngưởng, tuy vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tuyên bố sẽ áp thêm thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu như Bắc Kinh không thay đổi chính sách thương mại.
Dự kiến, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại Argentina. Ông Trump có đăng tải trên Twitter hôm 1-11 rằng ông ấy vừa có “một cuộc trò chuyện rất dài và rất tốt” với Chủ tịch Tập về nhiều vấn đề, trong đó có thương mại. “Những cuộc thảo luận đó vẫn đang được tiếp tục một cách tốt đẹp”, ông Trump nói trên Twitter.