Mỹ cấm máy bay nước mình bay trên không phận Iran
Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã ban hành lệnh khẩn cấp tối 20-6 (giờ Mỹ) cấm các hãng hàng không nước này bay trong không phận do Iran kiểm soát trên eo biển Hormuz và Vịnh Oman do căng thẳng leo thang.
Ảnh minh họa. Reuters. |
Lệnh này được đưa ra sau khi hãng United Airlines đình chỉ các chuyến bay giữa sân bay Newark của New Jersey và thủ đô tài chính của Ấn Độ Mumbai, qua không phận Iran, sau khi xem xét sự an toàn sau sự việc Iran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ.
Việc máy bay Global Hawk, máy bay do thám không người lái và không trang bị vũ trang có thể bay đến 18,300 m, của Mỹ bị bắn hạ là sự kiện mới nhất trong chuỗi những sự cố ở vùng Vịnh, một động mạch quan trọng đối với nguồn cung dầu toàn cầu, bao gồm cả những vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu gần đây.
FAA cho biết các ứng dụng theo dõi chuyến bay cho thấy chiếc máy bay dân dụng gần nhất đang hoạt động vào thời điểm máy bay không người lái Global Hawk bị bắn hạ cách đó khoảng 45 hải lý.
“Có rất nhiều máy bay dân dụng hoạt động trong thời điểm máy bay không người lái bị bắn hạ”, FAA cho biết.
Cơ quan này cho biết họ vẫn lo ngại về sự leo thang căng thẳng và hoạt động quân sự trong phạm vi gần với các tuyến máy bay dân dụng lớn cũng như việc Iran sẵn sàng sử dụng tên lửa tầm xa trong không phận quốc tế mà không có hoặc có ít cảnh báo.
Hồi năm 2014, máy bay MH17 của Malaysia Airlines đã bị bắn rơi bởi một tên lửa bắn hạ trên bầu trời Ukraine, khiến 298 người trên khoang thiệt mạng, khiến các hãng hàng không buộc phải có biện pháp tìm hiểu các mối đe dọa đối với máy bay của họ.
Lệnh cấm của Mỹ không áp dụng cho các hãng hàng không từ các nước khác, tuy nhiên, OPSGROUP, cơ quan cung cấp hướng dẫn an toàn cho các nhà điều hành bay, cho biết cơ quan này sẽ xem xét cảnh báo đối với các hãng hàng không toàn cầu.
"Nguy cơ máy bay dân sự bị bắn hạ ở miền nam Iran là có thật", OPSGROUP khuyến cáo. "Cần tránh khu vực eo biển Hormuz - có khả năng nhận dạng nhầm máy bay".
Tháng trước, FAA cũng khuyến cáo các hãng hàng không thận trọng khi bay qua Iran và các vùng trời lân cận, do các hoạt động quân sự và căng thẳng chính trị gia tăng. "Mặc dù Iran nhiều khả năng không có ý định nhắm vào máy bay dân sự, sự hiện diện của hàng loạt vũ khí tầm xa, phòng không tiên tiến trong một môi trường căng thẳng đặt ra nguy cơ tính toán sai hoặc nhận dạng sai", FAA cho biết.