Mỹ bị đồng minh quay lưng, quốc tế chỉ trích vì cố áp đặt trừng phạt của LHQ với Iran
- Cuộc đối đầu Mỹ - Iran chưa có hồi kết
- Mỹ sắp ra sắc lệnh chặn hết đường mua bán vũ khí với Iran
- Ông Trump cảnh báo Iran sẽ phải chịu hậu quả nếu tấn công Mỹ
Một ngày sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tối 19/9 thông báo Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của LHQ lên Iran, bất chấp việc không được các thành viên chủ chốt của Hội đồng Bảo an LHQ chấp thuận, các nước châu Âu, Nga và Iran đã ra tuyên bố thể hiện sự phản đối quyết liệt.
Tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ. Ảnh: PA |
Reuters ngày 20/9 dẫn lời Josep Borrell, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, đã bác bỏ tuyên bố đơn phương của Mỹ về việc nối lại các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Iran vì cho rằng Washington đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
“Mỹ không thể khởi xướng quá trình khôi phục các lệnh trừng phạt theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ”, ông Borrell nói, khẳng định châu Âu duy trì cam kết về dỡ bỏ trừng phạt theo đúng nội dung đã nêu trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 do Iran kí với các cường quốc, còn gọi là JCPOA.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố khẳng định nước này quyết tâm duy trì thỏa thuận hạt nhân. “Các cam kết phải được thực hiện theo đúng thống nhất ban đầu trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại của tất cả các quốc gia (kí thỏa thuận hạt nhân Iran)”, Bộ Ngoại giao Nga nêu.
Theo thông cáo của phía Nga, "tuyên bố về việc các nghị quyết chống lại Iran được khôi phục là điều viển vông". "Chúng tôi hy vọng rằng các đồng nghiệp Mỹ sẽ đủ dũng cảm để cuối cùng đối mặt với sự thật và ngừng phát biểu thay mặt Hội đồng Bảo an", phía Nga nêu.
Từ Tehran, Tổng thống Iran Javad Zarif tuyên bố chiến dịch cô lập Iran của Mỹ đã phản tác dụng. "Có thể nói rằng “áp lực tối đa” của Mỹ nhằm vào Iran, xét trên khía cạnh chính trị và pháp lý, đã trở thành sự cô lập tối đa với nước này", ông Rouhani nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phản đối việc Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Iran khi đơn phương rút khỏi JCPOA.
Được biết, ngoài tuyên bố kích hoạt theo cơ chế "tự động nối lại" (snapback) các biện pháp trừng phạt chống Iran theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Mỹ cũng dọa sẽ có biện pháp chống lại các nước không đồng tình với lệnh cấm vận của Mỹ.
JCPOA kí năm 2015, quy định việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lại việc được dỡ bỏ các biện pháp cấm vận của LHQ. Theo Reuters, cơ chế "Snapback" được Mỹ đưa vào JCPOA, quy định các thành viên kí thỏa thuận này được phép yêu cầu LHQ khôi phục các lệnh cấm vận với Iran nếu phát hiện nước này vi phạm thỏa thuận.
Dù đơn phương rút khỏi JCPOA từ 2018, song Mỹ lập luận rằng, Nghị quyết 2231 về thực thi JCPOA của Hội đồng Bảo an LHQ đã coi Mỹ là một bên của văn kiện này, tức Washington có quyền tái kích hoạt cơ chế cấm vận quốc tế nhằm vào Iran như đã được áp dụng trước năm 2015.
Để chống lại việc kích hoạt cơ chế "Snapback", Hội đồng Bảo an phải thông qua một nghị quyết nới cấm vận Iran trong 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Mỹ. Nếu không, toàn bộ lệnh trừng phạt của LHQ trước khi JCPOA được ký, sẽ được áp đặt trở lại. Đáng nói là, Mỹ là thành viên Hội đồng Bảo an và có thể dùng quyền phủ quyết để ngăn mọi nghị quyết ở cơ quan này.
Mỹ dọa kích hoạt "Snapback" từ hồi tháng 8, sau khi thất bại trong nỗ lực gia hạn một lệnh cấm vận vũ khí khác nhằm vào Iran, dự kiến hết hạn vào tháng 10.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/8 tại Hội đồng Bảo an về vấn đề này, chỉ Mỹ và Dominica bỏ phiếu thuận, trong khi các đồng minh châu Âu của Washington đều bỏ phiếu trắng. Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống.
Vẫn chưa rõ liệu Mỹ có thể thực sự kích hoạt trở lại các biện pháp cấm vận LHQ nhằm vào Iran hay không. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, trong một văn bản ngày 19/9, cũng tuyên bố chưa đưa ra hành động nào về các biện pháp trừng phạt đối với Iran do "có sự không chắc chắn" liên quan đến vấn đề trên.