Mỹ-Trung kết thúc đàm phán mà không có tuyên bố chung

Thứ Bảy, 20/03/2021, 08:15
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc ngày 19/3 đã kết thúc các cuộc đàm phán ở Alaska, cuộc gặp được cho là phơi bày thêm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngay từ những ngày đầu của chính quyền Biden.
Cuộc gặp đầu tiên được đánh giá là gay gắt giữa quan chức Mỹ-Trung. Ảnh Reuters. 

Sau hai ngày họp, cuộc hội đàm trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, kết thúc sau màn khởi đầu nảy lửa hiếm thấy hôm 18/3 khi hai bên công khai đả kích các chính sách của nhau.

Các cuộc đàm phán dường như không mang lại đột phá ngoại giao nào như những kỳ vọng trước đó, nhưng sự đối địch gay gắt dường như được làm rõ thêm, cho thấy hai nước có rất ít điểm chung để thiết lập lại mối quan hệ vốn đã chìm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Việc bắt đầu các cuộc thảo luận ở Anchorage, Alaska, sau chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, được đánh dấu bằng một loạt động thái của Washington cho thấy họ đang có lập trường kiên định, cũng như lời cảnh báo thẳng thừng từ Bắc Kinh rằng “Mỹ hãy thôi ảo vọng rằng họ sẽ thỏa hiệp”.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan phát biểu trước báo giới ngay sau khi phái đoàn Trung Quốc rời khỏi phòng họp của khách sạn rằng hai bên “đã dự kiến có cuộc thảo luận trực tiếp và khó khăn về nhiều vấn đề, và đó là những gì đã xảy ra”.

Các thành viên của phái đoàn Trung Quốc rời khách sạn mà không nói một lời với cánh báo chí, tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Dương Khiết Trì, sau đó đã cho kênh CGTN của Trung Quốc biết rằng các cuộc thảo luận “mang tính xây dựng và có lợi”, tuy nhiên, hai bên vẫn “còn nhiều khác biệt”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông không ngạc nhiên khi Mỹ nhận được “phản ứng đề phòng” từ Trung Quốc sau khi nước này đưa ra cáo buộc về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông cũng như các cuộc tấn công mạng và gây áp lực lên Đài Loan.

Tuy nhiên, ông Blinken cho biết hai bên cũng có những lợi ích đan xen về Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu, và rằng Mỹ đã hoàn thành những gì họ phải làm trong các cuộc họp. “Về kinh tế, thương mại, công nghệ, chúng tôi đã nói với các đối tác rằng đang xem xét những vấn đề này với sự tham vấn chặt chẽ với Quốc hội, với các đồng minh và đối tác của chúng tôi”, ông Blinken cho biết.

Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.
.