Mỹ Latin phân cực với sự ra đi của ông Morales

Thứ Hai, 11/11/2019, 10:50

Đơn từ chức của Tổng thống Bolivia Evo Morales, lãnh đạo cuối cùng của phong trào “thủy triều hồng” của các nhà lãnh đạo cánh tả từng rất nổi trội tại các nước Mỹ Latin hơn hai thập kỷ trước, đã góp phần phân cực các chính phủ trên khắp khu vực này.

Ông Evo Morales tuyên bố từ chức trên truyền hình. Ảnh từ video, Reuters. 

Các nước trong khu vực có phản ứng khác nhau về sự ra đi của ông Morales, trong khi Venezuela và Argentina phản đối “cuộc đảo chính” thì một số nước khác lại hoan nghênh.

Ông Morales, lãnh đạo người bản địa đầu tiên của Bolivia, đã tuyên bố chấm dứt 14 năm lãnh đạo đất nước Nam Mỹ này vào ngày 10-11 sau khi các đồng minh bỏ rơi ông sau nhiều tuần diễn ra các cuộc biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử hôm 20-10 vừa qua. Quân đội Bolivia và những đồng minh chính trị quan trọng của ông Morales đã kêu gọi ông từ chức.

Các chính phủ thiên về cánh hữu ở Mỹ Latin, trong đó có Colombia và Peru, kêu gọi Bolivia đảm bảo các cuộc bầu cử tới diễn ra hợp pháp. Brazil, trong một động thái được cho là đi xa hơn các nước khác, đã lên tiếng “chào mừng” việc ông Morales từ chức. Brazil cho rằng nước này ủng hộ một cuộc chuyển giao dân chủ ở nước láng giềng Bolivia và bác bỏ quan điểm của những người phe cánh tả rằng đây là một cuộc đảo chính.

Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro kêu gọi các đồng minh vận động ủng hộ ông Morales. Cùng với đó, các nhà lãnh đạo của Mexico và Argentina cũng ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, sự ra đi của ông Morales có thể khiến nhà lãnh đạo Venezuela, người nắm quyền lực trong nhiều năm qua, suy yếu vị thế.

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, một đồng minh lâu năm khác của ông Morales, đã có dòng tweet về sự đoàn kết và nhấn mạnh: “Cần phải huy động cả thế giới vì cuộc sống và tự do của Evo”.

Trong khi đó, chính phủ Mexico đã lên tiếng phản đối “chiến dịch quân sự” đang diễn ra tại Bolivia và nhấn mạnh rằng không nên để xảy ra “đảo chính”. Mexico cũng sẽ có thể cấp phép tị nạn cho ông Morales nếu ông này đề nghị.

Tổng thống đắc cử Argentina, Alberto Fernandez, người vừa giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng, cho biết việc “phá vỡ thể chế ở Bolivia là không thể chấp nhận được”.

Ông Morales trở thành Tổng thống Bolivia năm 2006, cùng với nhà lãnh đạo Hugo Chavez của Venezuela, Nestor Kirchner của Argentina, và Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil, được gọi là “sự nổi lên của phe cánh tả” trên khắp lục địa Nam Mỹ, đổi mới thể chế nhà nước và phân cực chính trị nội địa.

Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.
.