Truy tìm nguyên nhân dịch viêm phổi lạ ở Trung Quốc

Thứ Ba, 07/01/2020, 16:08
Các cơ quan y tế Trung Quốc hiện vẫn chưa thể xác định được chủng viêm phổi siêu vi bí ẩn đã lây nhiễm cho hàng chục người ở thành phố Vũ Hán và khiến các nước khác trong khu vực châu Á lo ngại.

Bùng phát dịch viêm phổi lạ, lo ngại về nguy cơ SARS trở lại

Tính tới ngày 5-1, Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán cho biết đã ghi nhận tổng cộng 59 ca “viêm phổi virus không rõ nguồn gốc”, với 7 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Tất cả các bệnh nhân đang được cách ly để tiến hành điều trị, và không có trường hợp tử vong nào được báo cáo.

Người dân Thượng Hải đeo khẩu trang phòng ngừa dịch cúm H7N9 hồi năm 2013.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các triệu chứng của các bệnh nhân chủ yếu là sốt, với một số cảm thấy khó thở và chụp X quang ngực cho thấy các hai phổi đều có dấu hiệu bị tổn thương.

Vụ dịch bùng phát vào cuối tháng 12 vừa qua và khiến Trung Quốc lo ngại về quay trở lại của SARS, một dạng giống virus cúm xuất phát từ Trung Quốc, sau đó lan rộng ra 37 quốc gia trên toàn thế giới, khiến hơn 8.000 người bị lây nhiễm và giết chết gần 800 người vào năm năm 2002-2003. Bệnh do virus SARS gây ra với các triệu chứng bao gồm sốt, ho, nhức đầu dữ dội, chóng mặt cùng các biểu hiện giống như bệnh cúm khác.

Trong một tuyên bố trên trang web của mình hôm 5-1, giới chức thành phố Vũ Hán cho biết họ đã loại trừ các nguyên nhân do virus SARS, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và cúm gà.

“Chưa thể kết luận đây là virus SARS như là tin đồn”, Nhân dân Nhật báo viết trên mạng xã hội Weibo. Cảnh sát Vũ Hán cho biết đã bắt giữ 8 người vì phát tán tin giả về các ca nhiễm.

Không phải SARS, vậy đâu là nguyên nhân?

Theo Ủy ban y tế Vũ Hán, vụ dịch đã bùng phát từ ngày 12 đến ngày 29-12-2019, với hầu hết bệnh nhân làm việc tại một chợ bán buôn hải sản.

Khu chợ này đã bị đóng cửa từ ngày 1-1 để khử trùng. Được biết, tại đây cũng đã bán các loại động vật sống khác như chim, thỏ và rắn, làm dấy lên mối lo ngại rằng virus có thể đã truyền từ động vật sang người.

David Hui Shu-cheong, một chuyên gia về hô hấp tại Đại học Hồng Kông, cho biết rất có khả năng vụ dịch này là do một loại "virus viêm phổi siêu vi hoàn toàn mới".

"Mối quan tâm bây giờ là liệu có phải những loài động vật được bán ở chợ là một trong những lý do cho sự bùng phát hay không", ông David nói với CNN.

Nhân viên an ninh tại sân bay Hồng Kông tiến hành đo thân nhiệt cho các hành khách trong bối cảnh dịch MERS bùng phát hồi năm 2015. 

Theo David, nhiều mầm bệnh mới đã lây lan từ động vật sang người. Virus SARS đã được tìm thấy ở con cầy hương, một loài động vật hoang dã và là một món ngon ở các vùng miền nam Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên, trong khi virus MERS được tìm thấy ở lạc đà một bướu.

Các xét nghiệm ban đầu cho thấy “không có dấu hiệu lây từ người sang người”, và chưa nhân viên y tế nào bị lây bệnh, theo giới chức thành phố Vũ Hán. Ít nhất 163 người đã tiếp xúc ở cự ly gần với những người bị nhiễm đã được theo dõi y tế.

Dịch bệnh hiện đang dấy lên những lo ngại về một sự bùng phát trên quy mô toàn quốc, trong bối cảnh dịp nghỉ lễ Tết nguyên đán đang cận kề và hàng trăm triệu người dân Trung Quốc dự kiến sẽ đổ về các khu vực tập trung đông người như nhà ga, xe bus hay máy bay để đoàn tụ với gia đình.

Giáo sư Leo Poon, nhà virus học tại Đại học Hồng Kông và là chuyên gia về SARS, cho biết mức độ nghiêm trọng của vấn đề phụ thuộc vào việc dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán có thể lây truyền giữa người với người hay không.

"Nếu nó chỉ truyền từ động vật sang người, thì bây giờ các khu chợ đã ngừng hoạt động và được tiến hành vệ sinh, tỉ lệ nhiễm bệnh vì thế sẽ giảm đi", ông Leo Poon nhận định. Đồng tình về ý kiến này, chuyên gia David Hui Shu-cheong cho biết các loại virus đường hô hấp thông thường sẽ lây truyền giữa người với người, vấn đề là nó có dễ lây lan hay không.

Các nước Châu Á tăng cường phòng ngừa

Dịch viêm phổi ở Vũ Hán đã khiến các nước châu Á phải tiến hành theo dõi chặt chẽ, đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa như đo thân nhiệt tại sân bay và yêu cầu thông báo về tình trạng sức khỏe của từng người.

Tại Hồng Kông, 21 người đã được phát hiện bị sốt hoặc có triệu chứng hô hấp sau khi trở về từ Vũ Hán, 7 người đã được xuất viện, và cho đến nay không ai trong số họ có liên quan đến dịch cúm viêm phổi ở Vũ Hán. Du khách đến từ Vũ Hán cũng đang được tiến hành đo thân nhiệt tại sân bay Hồng Kông.

Ảnh minh họa: Bác sĩ tiêm vaccine ngừa bệnh cúm cho bệnh nhân.

Tại Singapore, du khách đến từ Trung Quốc cũng được yêu cầu đo thân nhiệt, theo Bộ Y tế. Các bác sĩ cũng đã tiến hành kiểm tra lại các trường hợp nghi ngờ bị viêm phổi sau khi trở về từ Vũ Hán trong thời gian gần đây.

Tại Hàn Quốc, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh quốc gia đã thành lập một đội chuyên trách kiểm dịch và cảnh báo du khách đến Vũ Hán không được chạm vào động vật hoang dã, gia cầm hoặc ghé thăm các khu chợ địa phương.

Đài Loan hôm 5-1 đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa bằng cách  thông báo rộng rãi về các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi lạ Vũ Hán, theo truyền thong địa phương.

WHO trong một tuyên bố hôm 5-1 cho biết họ không khuyến nghị bất kỳ biện pháp cụ thể nào cho khách du lịch và "khuyên không nên áp dụng bất kỳ hạn chế du lịch hoặc thương mại nào đối với Trung Quốc dựa trên thông tin hiện có về sự kiện này".

Cao Trung (Theo CNN)
.
.
.