Vụ nổ súng ở Mỹ: Không loại trừ khả năng khủng bố

Thứ Bảy, 05/12/2015, 08:22
Những phát hiện mới nhất về mối liên hệ của vợ chồng hung thủ Sayed Farook và Tashfeen Malik với Hồi giáo cực đoan đã khiến giới chức Cảnh sát Mỹ không loại trừ khả năng vụ nổ súng là một vụ tấn công khủng bố. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng bắt đầu vào cuộc điều tra.


Theo tin từ hãng Reuters, đến trưa 4-12, cảnh sát trưởng San Bernardino, ông Jarrod Burguan đã xác nhận rằng, có 14 người thiệt mạng và 21 người bị thương (tăng hơn 3 người so với con số đưa ra trước đó) trong vụ xả súng tại trung tâm dịch vụ bảo trợ dành cho người khuyết tật ở San Bernardino, bang California. Thủ phạm vụ xả súng được xác nhận chỉ có 2 vợ chồng Sayed Farook và Tashfeen Malik. 

Người dân San Bernardino tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ xả súng. Ảnh: The Desert Sun.

Ông Jarrod Burguan cho biết, hai nghi can này đã kết hôn và có với nhau 1 cô con gái 6 tháng tuổi. Cả hai đều bị cảnh sát tiêu diệt ngay trong ngày 2-12. Cảnh sát trưởng San Bernardino cũng cho biết, cảnh sát chưa phát hiện có thêm nghi can thứ 3 và đang hướng cuộc điều tra vào khả năng đây là vụ tấn công khủng bố. 

Theo lập luận của ông Jarrod Burguan, Sayed Farook là con một người Hồi giáo và đã cùng vợ theo đạo Hồi từ nhiều năm nay. Người thân trong gia đình Syed Farook cũng cho biết hằng ngày đôi vợ chồng này đều tụng kinh Koran.

Hồ sơ của Syed Farook tại FBI cho thấy tên này sinh ra tại Chicago trong một gia đình người Pakistan. Hắn lớn lên ở miền Nam California và làm thanh tra môi trường của Sở Y tế công cộng quận San Bernardino từ năm 2010 đến nay. Trợ lý Giám đốc văn phòng FBI tại Los Angele, David Bowdich cho biết, Syed Farook không có tiền án, tiền sự nhưng FBI đã phát hiện ra hồi hè năm 2014, tên này đã tới Arab Saudi trong 9 ngày. Riêng đối với Tashfee Malik, mới đến Mỹ năm 2014 bằng hộ chiếu Pakistan và giấy tờ xác nhận là hôn thê của Syed Farook. 

Tháng 16-8-2014, cả hai đã cử hành hôn lễ ở gần hạt Riverside. Vào hôm xảy ra vụ xả súng, đôi vợ chồng này đã gửi con gái 6 tháng tuổi cho họ hàng với lý do đi khám bệnh. Vài giờ sau đó, người thân trong gia đình mới hay họ đã tham gia một vụ xả súng tại trung tâm bảo trợ dành cho người khuyết tật ở San Bernardino.

Một trong những điểm đáng chú ý mà FBI đã phát hiện ra để từ đó nghiêng về giả thuyết vụ xả súng là vụ tấn công khủng bố là bởi Syed Farook đã chủ động liên hệ với một số thành phần Hồi giáo cực đoan trên mạng xã hội. Thậm chí, kẻ mà Syed Farood thường xuyên nói chuyện trên mạng xã hội đã có tên trong danh sách điều tra, truy nã của FBI. 

Thêm một chi tiết củng cố cho giả thuyết này là khi khám xét nhà của 2 vợ chồng này, cảnh sát đã thu được 12 thiết bị giống bom hình ống cùng hàng ngàn băng đạn. David Bowdich nhận định, vụ xả súng đã được các thủ phạm chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Trang phục của chúng cũng được thiết kế giống với kiểu những kẻ tấn công khủng bố. Cảnh sát cũng tìm thấy một túi chứa 3 thiết bị nổ tại hiện trường vụ xả súng và cho rằng 2 nghi phạm còn có ý kích hoạt khối thuốc nổ này từ xa… 

Theo cảnh báo của Trợ lý Giám đốc văn phòng FBI tại Los Angeles, đây có thể là một dạng của “khủng bố nội địa” mà trước đó các cơ quan tình báo Mỹ đã nhiều lần cảnh báo. Báo cáo của FBI trước đó thì cho hay, vụ xả súng tại San Bernardino là vụ xả súng thứ 353 trong năm 2015. Tính trung bình mỗi ngày ở Mỹ xảy ra ít nhất một vụ xả súng. Vì vậy, ngay sau vụ xả súng này, Tổng thống Mỹ Barack Obama lại tiếp tục kêu gọi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cùng nỗ lực chung “ở tất cả các cấp chính quyền để giải quyết tình trạng súng đạn và bạo lực tràn lan”.

Gia Nam
.
.
.