Không được có hành động cưỡng ép trên Biển Đông

Thứ Bảy, 03/08/2019, 23:20
Đây là lời khẳng định của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ hôm 1-8 tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan, ngay sau khi ASEAN ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay trên Biển Đông, kêu gọi các bên tránh làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo đất hay các sự cố nghiêm trọng khác.


Những quan ngại mới

Trao đổi với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình thế giới và khu vực, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông. Một mặt khẳng định Mỹ luôn là bạn và là đối tác tin cậy của ASEAN, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN đóng góp duy trì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực, mặt khác, Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần có tiếng nói kiên quyết, không nên lảng tránh những vấn đề phức tạp.

Các quốc gia đều kêu gọi ngăn chặn hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.

"Các nước cần công khai bày tỏ lập trường phản đối hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông", ông Mike Pompeo nói. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC nhưng phân tích thêm rằng, những diễn biến trên thực địa, trong đó có việc quân sự hoá và các hoạt động đơn phương đang đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Do đó "các nước ASEAN và Mỹ cần nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Hãng tin AP cho hay, với việc Biển Đông đang là điểm nóng trong an ninh khu vực, đặc biệt qua việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và đoàn tàu hộ tống vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam (tháng 7); cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia (hồi tháng 5), Mỹ thực sự lo ngại và đang ngày càng thể hiện vai trò dẫn dắt để đảm bảo an toàn trên biển, tự do hàng hải tại tuyến đường biển huyết mạch này.

Vì thế, sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo bày tỏ quan điểm cứng rắn của Mỹ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cùng Chủ tịch và Phó Chủ tịch Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương và Chính sách an ninh mạng quốc tế của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 1-8 đã ra tuyên bố lên án các hoạt động phi pháp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thông cáo được đăng tải trên website đối ngoại của Thượng viện Mỹ có đoạn trích dẫn lời của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch như sau: "Các hoạt động khảo sát của một tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và việc triển khai tàu cảnh sát biển của Trung Quốc là bằng chứng mới nhất về việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng hành vi cưỡng ép nhằm khẳng định các yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông. Việc xác định các cách cụ thể để đẩy lùi các hoạt động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Mỹ trong các cuộc họp ASEAN tại Bangkok vừa qua.

Ngoài Mỹ, điều quan trọng là các đối tác của chúng tôi trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN, phải sát cánh và đứng vững trước sự ép buộc của Trung Quốc. Nếu không nhận được sự khiển trách mạnh mẽ hơn đối với hành vi của mình, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục hành động đơn phương trên Biển Đông, gây bất lợi cho lợi ích chung của chúng ta trong việc thúc đẩy một Ấn Độ-Thái Bình Dương thực sự tự do, cởi mở và duy trì thượng tôn pháp luật".

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez cho rằng điều quan trọng là Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành vi gây hấn trên Biển Đông. "Chúng ta cần một chiến lược lâu dài hợp tác với các đối tác để xây dựng Biển Đông thành nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng, tự do hàng hải được đảm bảo, các dòng chảy thương mại tự do, các tổ chức đa phương trong khu vực là trung tâm", ông Bob Menendez nói thêm.

Còn Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Cory Gardner, Chủ tịch tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương và Chính sách an ninh mạng quốc tế nêu rõ: "Việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và các hành động thù địch đối với các quốc gia có yêu sách khác là bất hợp pháp, gây bất ổn và trái với luật pháp quốc tế". Ông Cory Gardner bày tỏ quan điểm rằng Mỹ sẽ luôn sát cánh với các đối tác ASEAN của Mỹ, đồng thời kêu gọi một chính sách phối hợp trong khu vực nhằm đối phó với Bắc Kinh như yêu cầu của Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm châu Á (ARIA).

Đồng quan điểm này, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Edward Markey, Phó Chủ tịch tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương và Chính sách an ninh mạng quốc tế cho rằng: "Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, một trong những vùng biển quan trọng nhất trên hành tinh, đang gây ra những vấn đề sâu sắc. Tôi ủng hộ các nỗ lực ngoại giao để duy trì hòa bình ở Biển Đông và ủng hộ nỗ lực của các đồng minh, đối tác Đông Nam Á (của Mỹ)”.

Sự đồng lòng của cộng đồng quốc tế

Hãng tin Politico bình luận, đây là lần thứ 2 các nghị sĩ Mỹ gửi thư kêu gọi lên án các hoạt động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trước đó, hôm 29-7, một nhóm nghị sĩ Mỹ cũng đã gửi thư kêu gọi Ngoại trưởng Mike Pompeo thể hiện rõ quan điểm của Mỹ trước Trung Quốc khi tham dự Diễn đàn khu vực các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Bangkok, Thái Lan. Đáng chú ý là những phản ứng mạnh mẽ của Mỹ cũng là động thái chung của nhiều quốc gia trong khu vực và các đối tác của ASEAN.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản sáng 1-8, Nhật Bản đã nói rõ lập trường của nước này trong vấn đề Biển Đông, chia sẻ với ASEAN quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp trên thực địa, nhất là việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình, dẫn đến xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Cùng với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển khu vực, bao gồm Biển Đông; nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV thường trú ở Tokyo, nguyên Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsuhito Asano cho rằng việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam gần đây là hành vi xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm UNCLOS 1982 và cần được cộng đồng quốc tế phê phán.

Riêng báo chí Nhật Bản thì dành nhiều trang báo phân tích ý đồ của Trung Quốc với ASEAN và COC; lo ngại rằng Trung Quốc có thể dùng quyền lực quân sự, kinh tế và ngoại giao để tạo sức ép lên một số nước ASEAN trong việc đàm phán COC.

Còn khi được hỏi về phản ứng trước tin tàu hải cảnh của Trung Quốc có động thái “đe dọa” các tàu của Việt Nam phục vụ giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật mà Tập đoàn Nga Rosneft thuê thăm dò ở Lô 06.1 ở Biển Đông hôm 31-7, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết “sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc liên quan tới vấn đề này”.

Sau đó, trong tuyên bố được gửi riêng cho đài VOA, Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định: "Chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định của khu vực, và là một mối quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản.

Nhật Bản luôn ủng hộ việc tuân thủ hoàn toàn luật pháp trên biển và muốn nhấn mạnh với tất cả các nước liên quan về tầm quan trọng của các nỗ lực tiến tới giải pháp hòa bình dựa trên luật lệ quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép”.

Quan điểm về tự do hàng hải cũng được Ấn Độ bày tỏ thông qua phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Raveesh Kumar hôm 1-8. Theo đó, Ấn Độ khẳng định có lợi ích to lớn về kinh tế và thương mại ở Biển Đông bởi 55% khối lượng thương mại của New Delhi được vận chuyển qua đây.

“Ấn Độ thực sự có nguyện vọng chính đáng về hòa bình, ổn định và tiếp cận an toàn với các vùng biển trong khu vực này. Ấn Độ mong muốn luật pháp quốc tế được tuân thủ khi Ấn Độ tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển này", ông Raveesh Kumar nhấn mạnh...

Được biết, hôm 31-7, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng đã đưa ra Tuyên bố chung, trong đó bày tỏ quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định khu vực. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng hành vi Trung Quốc tại Biển Đông là “sự cố nghiêm trọng”.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.