Indonesia tăng cường đảm bảo An ninh cho Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN

Chủ Nhật, 25/04/2021, 09:26
Hội nghị các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức khai mạc vào đầu giờ chiều 24/4 tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Thủ đô Jakarta của Indonesia.

Để bảo đảm an ninh cho hội nghị, Cảnh sát Quốc gia Indonesia đã triển khai 4.382 nhân viên an ninh đóng chốt tại 51 điểm trọng yếu trên toàn thành phố, trong đó có nhiều tuyến đường, nhà ga sân bay và địa điểm lưu trú của các đoàn cấp cao.

Phát biểu khi đi kiểm tra các chốt an ninh đặt gần trụ sở Ban Thư ký ASEAN, Giám đốc Cảnh sát vùng Đại Jakarta, Tổng Thanh tra Fadil Imran cho biết, lực lượng Cảnh sát Quốc gia Indonesia chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh vòng 3, trong khi vòng một và vòng hai được đặt dưới quyền giám sát của Lực lượng An ninh Tổng thống (Paspampres) và Bộ Chỉ huy Quân sự Vùng Đại Jakarta.

Toàn bộ tuyến đường quanh khu vực Ban Thư ký ASEAN, nơi diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN được phân luồng. Tất cả các phương tiện, trừ các đoàn xe ngoại giao và những người làm nhiệm vụ được phép đi vào khu vực này, còn lại đều được đề nghị chuyển hướng để tránh ùn tắc giao thông và đảm bảo an ninh cho lãnh đạo các quốc gia ASEAN đến tham dự hội nghị.

Chốt bảo vệ an ninh tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN.

Trong khi đó, theo Ban Thư ký ASEAN, các quốc gia tham dự Hội nghị phải tuân thủ các quy định về an ninh và giao thức y tế nghiêm ngặt mà nước chủ nhà Indonesia đưa ra. Có 7 lãnh đạo các quốc gia Indonesia (nước chủ nhà), Brunei Darussalam (Chủ tịch ASEAN 2021), Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore và Việt Nam cùng với Thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo quân đội Myanmar tham dự hội nghị. Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-o-cha và Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte không tham gia hội nghị mà chỉ cử đại diện lãnh đạo ngoại giao.

Cũng liên quan đến Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN, Bộ Ngoại giao Malaysia đã ra thông cáo báo chí, trong đó khẳng định nước này ủng hộ mạnh mẽ mọi nỗ lực của Brunei với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2021 trong việc triệu tập hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm xác định phương hướng và tương lai của ASEAN, cũng như thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức nổi lên, qua đó tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước thành viên và của cả khu vực.

Tiếp nối những kết quả đạt được trong năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch, trong năm 2021, các nước ASEAN thành viên ASEAN tiếp tục thúc đẩy các quan tâm và ưu tiên trong khu vực, đóng góp chủ động, tích cực cho các vấn đề chung trong khu vực và quốc tế. Theo đó, tiếp tục triển khai các kết quả của năm ASEAN 2020, trên cơ sở Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11/2020), các nước ASEAN cơ bản thống nhất về dự thảo Điều khoản tham chiếu (TOR) của Nhóm đặc trách cao cấp về xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, cũng như Lộ trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Dự kiến hai tài liệu này sẽ thông qua tại Hội nghị Tham vấn chung ASEAN (JCM) thông qua vào tháng 5/2021. Trong quá trình đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, các nước ủng hộ đẩy nhanh việc đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, đặt mục tiêu hoàn tất trong năm 2021.

Dự kiến, Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) sẽ chính thức giao Ủy ban các Đại diện Thường trực tại ASEAN (CPR) đánh giá việc triển khai Hiến chương ASEAN tại cuộc họp diễn ra vào tháng 8/2021.

Đối với vấn đề hợp tác tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển, trong vai trò Chủ tịch Nhóm đặc trách về Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI), Việt Nam đã gửi các nước dự thảo quy trình tổ chức Đối thoại ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các tiểu vùng vì phục hồi toàn diện và phát triển bền vững. Các nước ASEAN hoan nghênh đề xuất của Việt Nam. Nằm trong sáng kiến đề cao bản sắc, hình ảnh và giá trị chung của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam cũng đang hoàn tất các thủ tục nội bộ để treo cờ ASEAN bên cạnh quốc kỳ Việt Nam tại trụ sở các cơ quan Chính phủ.

Về các sáng kiến chung ứng phó COVID-19, hiện Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) đang được triển khai tích cực, đến cuối tháng 3/2021, đã có 22 trong tổng số 184 sáng kiến được hoàn tất, 82 sáng kiến đang được triển khai (trong đó 59 sáng kiến hoàn tất một phần), 21 sáng kiến chưa triển khai trong năm 2021. Ban Thư ký ASEAN đang tuyển dụng nhân sự cho Nhóm đặc trách với nhiệm vụ giám sát, đánh giá, phối hợp và huy động nguồn lực triển khai ACRF. Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 hiện cũng được 14 nước ủng hộ với số tiền 16,5 triệu USD.

Các nước đang trao đổi về việc sử dụng 10,5 triệu USD từ quỹ này để mua vaccine cho các nước thành viên và cán bộ Ban Thư ký ASEAN. Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN (RRMS) cũng được các nước ASEAN nhất trí tiếp tục đóng góp trên cơ sở tuân thủ các quy định của quốc tế về vật tư y tế.

Các nước ASEAN lựa chọn nước đăng cai Trung tâm ASEAN ứng phó Tình huống y tế khẩn cấp và Bệnh dịch mới nổi (AC-PHEED); hoàn tất các bước cuối cùng để thông qua chi tiết dự án thành lập Trung tâm (thiết kế, các quy định về tài chính, cơ cấu tổ chức...). Đối với Thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN (ATCAF), tại Cuộc họp thứ nhất của Nhóm đặc trách xây dựng ATCAF, các nước đều khẳng định sẽ hợp tác để hoàn tất ATCAF theo kế hoạch.

Các nước ASEAN đang trao đổi nội bộ về dự thảo ban đầu của Khung hành lang đi lại ASEAN và chuẩn bị cho Cuộc họp lần thứ hai của Nhóm đặc trách. Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực xây dựng cộng đồng, ứng phó COVID-19 và giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Hội nghị cũng là dịp Việt Nam thể hiện ưu tiên của mình là thắt chặt và củng cố đoàn kết, tương trợ với các quốc gia thành viên ASEAN. 

Khổng Hà
.
.
.