Indonesia hối thúc Trung Quốc tôn trọng UNCLOS

Thứ Hai, 03/08/2020, 16:02
Indonesia đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng leo thang ở Biển Đông và hối thúc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), nhằm giải quyết các tranh chấp.


Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến hôm 30/7 với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh rằng, Trung Quốc, với tư cách là một bên ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), cần tuân thủ quy tắc ứng xử khi giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông với các nước khu vực.

Bà khẳng định: “TAC đã được nhiều nước ký kết, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nghĩa vụ của các quốc gia ký kết TAC là tuân thủ các nguyên tắc của Hiệp ước”.

Nhà ngoại giao Indonesia cũng cho rằng đối thoại là “cách tốt nhất” để giải quyết xung đột, đồng thời nêu bật “nguyên tắc nhất quán” được Indonesia đề cao trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và tranh giành quyền lực ở Biển Đông là “tôn trọng luật pháp quốc tế và thực thi tất cả các luật pháp quốc tế có liên quan, bao gồm cả UNCLOS 1982”. Bà kêu gọi tất cả các bên tiếp tục ưu tiên phối hợp và hợp tác, thay vì đối đầu thù địch.

Đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp.  Ảnh: Reuters

Trả lời truyền thông nước ngoài hồi giữa tháng 7, Ngoại trưởng Retno Marsudi nhấn mạnh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông là điều mà mọi quốc gia luôn mong muốn và hy vọng đạt được. Theo bà, việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, là mấu chốt để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình và ổn định.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia khẳng định, quan điểm của Jakarta về vấn đề Biển Đông rất rõ ràng và nhất quán, đó là tất cả các bên liên quan phải tiếp tục duy trì việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Ngoại trưởng Retno Marsudi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các quốc gia cùng đóng góp vào tiến trình duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Bà cũng kêu gọi tất cả các nước kiềm chế mọi hành động có thể gây leo thang căng thẳng trong khu vực. Chia sẻ quan điểm này, Ngoại trưởng Malaysia Hishamuddin Hussein cũng ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên cần hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Ngoại trưởng Malaysia nhấn mạnh, các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình dựa trên các nguyên tắc được thừa nhận toàn cầu của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Đề cập đến quan điểm của Malaysia đối với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông, ông Hishamuddin Hussein khẳng định quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực nhằm đảm bảo Biển Đông là vùng biển của hòa bình và thương mại. Ông chia sẻ, Malaysia hy vọng các cuộc thảo luận tiếp theo sẽ mang lại Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phản ánh rõ quyền và lợi ích của tất cả các bên.

Ông cũng khẳng định, là một quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Malaysia luôn nhất quán lập trường của mình và kiên quyết cam kết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia ở Biển Đông.

Hôm 14/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ra tuyên bố bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở hầu hết khu vực Biển Đông. Đây được coi là một thay đổi cứng rắn hơn trong chính sách Biển Đông của Mỹ. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định các tuyên bố chủ quyền Bắc Kinh ở Biển Đông là hoàn toàn “trái pháp luật”.

Trong tuyên bố này, Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn toàn bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra năm 2009; bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng biển xung quanh Bãi Tư chính của Việt Nam. Mỹ cũng không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa.

Tuyên bố nêu rõ mọi hành động của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hay khai thác dầu mỏ của các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một cách đơn phương, đều bất hợp pháp.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn: “Mỹ đấu tranh cho một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay, chúng tôi tăng cường chính sách của Mỹ tại một khu vực quan trọng, hay xung đột – Biển Đông. Chúng tôi tuyên bố rõ ràng: các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên ở ngoài khơi tại phần lớn Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, cũng như là chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên ấy”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.