Hội nghị thượng đỉnh G20: Định hình một thế giới kết nối

Thứ Bảy, 08/07/2017, 08:19
Trong bối cảnh thế giới có sự thay đổi lớn về chính trị, an ninh và kinh tế, ngày 7-7, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối” đã chính thức khai mạc tại thành phố Hamburg (Đức).


Hội nghị G20 lần này sẽ bao gồm 5 phiên thảo luận chính thức: Giải pháp để thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế thế giới hướng đến xây dựng một nền kinh tế toàn cầu tự cường, bền vững và bao trùm; Thúc đẩy kết nối vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng, theo đó thúc đẩy các ưu tiên về sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, xây dựng nền kinh tế phi carbon; Chống nhờn kháng sinh và thúc đẩy sử dụng thận trọng kháng sinh trong tất cả các lĩnh vực; 

Thực hiện Chương trình nghị sự 2030, hỗ trợ châu Phi và vấn đề phụ nữ - bình đẳng giới; Thúc đẩy cạnh tranh trong nền kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tranh thủ lợi ích của số hoá cũng như giải quyết vấn đề lao động, việc làm. Theo giới chuyên gia, các trọng tâm được bàn thảo này rất phù hợp với tình hình thế giới ở thời điểm hiện tại với nhiều rủi ro tiềm ẩn do sự gia tăng của xu hướng bảo hộ, chống lại toàn cầu hóa.

Hội nghị thượng đỉnh G20 chính thức khai mạc ngày 7-7 tại Hamburg (Đức).

Từ khủng bố đến hòa bình ổn định

Hiện tại, khủng bố là một trong những vấn nạn toàn cầu không của riêng bất cứ quốc gia nào. Là nước đã phải đối mặt với nhiều vụ tấn công kinh hoàng trong thời gian qua, Đức đã phải huy động hơn 20.000 cảnh sát để trấn áp các cuộc biểu tình mang tính thù địch, đảm bảo thắt chặt an ninh xuyên suốt hai ngày diễn ra Hội nghị G20 (7-7 đến 8-7). Thậm chí, Quốc hội Đức đã thông qua một đạo luật cho phép giám sát hoạt động liên lạc của các nghi can trên những ứng dụng nhắn tin phổ biến, nhằm nắm bắt tình hình và có thể lần theo dấu vết của những kẻ khủng bố trong tình huống cấp bách.

Hội nghị G20 được cho là đã trở thành cơ chế nòng cốt trong việc quản trị toàn cầu của thế kỷ XXI, cơ bản dung hòa và thỏa hiệp được khác biệt lợi ích giữa các nền kinh tế lớn. Đến nay, G20 đã tổ chức 11 Hội nghị thượng đỉnh để thảo luận hầu hết các vấn đề lớn, đã thông qua nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng trong các lĩnh vực.

Tuy nhiên, các chuyên gia chính trị thế giới dự đoán, rất có thể Hội nghị G20 tại Hamburg sẽ chỉ đạt được đồng thuận về vấn đề chống khủng bố quốc tế và tài trợ cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong thời gian tới.

Ngoài ra, chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị G20, CHDCND Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Vì vậy, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ tận dụng cơ hội này để kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng, góp phần giảm căng thẳng leo thang tại các điểm nóng và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Cuộc gặp Nga-Mỹ thu hút dư luận

Bên cạnh các phiên họp và thảo luận chính thức trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, báo chí quốc tế đang chú ý tới khả năng diễn ra các cuộc gặp song phương bên lề giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong đó cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump được dư luận đặc biệt quan tâm  bởi đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của hai cường quốc này. Giới phân tích đánh giá, cuộc gặp gỡ này có tính chất “định hình thế giới”, bởi với đặc điểm thế giới đa cực như hiện nay, nếu quan hệ Nga-Mỹ nóng lên thì tình hình thế giới cũng nóng lên và ngược lại.

Ông Darrell West, chuyên gia phân tích chính trị thuộc Viện Brookings (Mỹ) cho hay: “Cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Putin là một phép thử quan trọng cho mối quan hệ giữa chính quyền mới của Washington với chính quyền Moscow, bởi ông Putin là một người rất dày dặn kinh nghiệm và luôn xử lý các vấn đề với “một cái đầu lạnh”.

Ông Stephen Sestanovich, Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ nói: "Tổng thống Donald Trump thường có những ý tưởng riêng. Ông ấy có thể quyết định đưa cuộc họp theo một hướng bất ngờ, và chúng ta phải chuẩn bị cho điều này. Phong cách của ông ấy là như vậy."

Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ, trước khi có chuyến công du tới lục địa già, các trợ lý đã trình lên Tổng thống Trump một khối lượng tài liệu cực lớn. Tuy nhiên, tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp với Tổng thống Putin chỉ “vài trang giấy” để Tổng thống Donald Trump dễ tập trung hơn. Cuộc họp giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga sẽ là cuộc họp kín, không cho phép truyền thông tham gia.

Trên trang mạng xã hội cá nhân, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, ông rất trông đợi cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 và cho hay hai bên có rất nhiều vấn đề cần thảo luận. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chia sẻ, cuộc gặp này là một dịp tốt để hai bên trao đổi quan điểm về bản chất mối quan hệ giữa hai quốc gia, ngoài những vấn đề liên quan tới tình hình Syria hay cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Linh Bùi
.
.
.