Hội nghị thượng đỉnh EU: Căng thẳng vì những nhân vật không có mặt
Có thể nói rằng, vào thời điểm hiện nay, EU không còn phải quá “nhọc nhằn” với vấn đề người di cư vốn gây áp lực căng thẳng lên “lục địa già” này suốt hai năm qua. Tuy nhiên, những thỏa thuận ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3 khiến EU luôn trong vòng luẩn quẩn đối phó với chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan.
Bởi lẽ, từ sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua, ông Tayyip Erdogan luôn tìm cách để thâu tóm thêm quyền lực, siết chặt việc kiểm soát hoạt động của các tổ chức xã hội cũng như các đảng phái đối lập, bắt giữ nhiều nhân vật nổi tiếng và các nhà báo...
Ngược lại, EU cho rằng động thái này làm mất dân chủ, khiến Thổ Nhĩ Kỳ không hội tụ đủ điều kiện để gia nhập EU. Khúc mắc chưa được giải quyết giữa EU đối với Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở chỗ quốc gia nằm giữa hai lục địa Á-Âu này đang áp đặt luật chống khủng bố mà theo Brussels là “quá hà khắc”, đe dọa đến quyền cơ bản của người dân. Đây cũng chính là lý do khiến các thành viên EU liên tục ngừng các cuộc đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.
Thậm chí, EU còn cân nhắc đến việc tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể áp dụng đối với chính quyền Ankara. Nhưng lời đe dọa “tháo van” vấn đề người tị nạn với con số 3 triệu người mà Tổng thống Tayyip Erdogan đưa ra đã khiến EU phải suy nghĩ lại về quyết định đối đầu với Ankara. Chính vì lẽ đó mà tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của năm 2016, EU đã phải “nhún nhường” bằng cách đưa ra một lộ trình cụ thể về các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ trong nửa đầu năm 2017.
Nguồn tin từ văn phòng Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết, các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể sẽ được tiến hành sớm vào tháng 3 năm 2017.
Theo ghi nhận của cánh báo chí quốc tế tham gia đưa tin, trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh EU lần này là chính sách đối ngoại. Ngoài vấn đề với Thổ Nhĩ Kỳ, EU còn vấp phải những khó khăn khác trong quan hệ với quốc gia láng giềng Nga. Và để ngăn chặn nguy cơ hợp tác giữa Ankara và Moskva, hôm 15-12, lãnh đạo các nước thành viên EU đã nhất trí kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga thêm 6 tháng nhằm gia tăng sức ép với Moskva.
Lý do mà họ đưa ra là vì Nga có quá nhiều liên quan đến vấn đề Ukraine và Syria. EU ra lệnh trừng phạt Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và tiếp tục kéo dài thời gian trừng phạt khi Moskva ra mặt ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.
EU đã trải qua một năm khá nhiều biến động và hội nghị thượng đỉnh ngày 15-12 là hội nghị cuối cùng của năm 2016. Ảnh: EUInsider. |
Về phía Nga, mỗi khi lệnh trừng phạt được gia hạn thì nước này lại tuyên bố không bao giờ trả lại Crimea… Lần này, EU vẫn sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính của Nga đến ngày 31-7-2017.
Giới quan sát nhận định, EU đã phải rất khó khăn khi đưa ra quyết định này nhưng đây là một tình thế bắt buộc, bởi nếu không gia tăng lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, EU sẽ còn phải đối mặt với vấn đề chia rẽ nội bộ và xu hướng thân Nga trong nội bộ đang ngày càng gia tăng.
Thời gian vừa qua, một loạt khu vực ở EU đã thông qua nghị quyết thừa nhận bán đảo Crimea thuộc Nga và đây chính là “đòn mạnh” nhằm vào EU. Hơn thế nữa, việc Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump có nhiều động thái thân Nga cũng khiến các nhà lãnh đạo khu vực này bối rối và lo lắng.
Các nhà phân tích khác thì cho rằng, EU gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga cũng là một thông điệp được gửi tới ông Donald Trump – người sẽ tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20-1-2017. Thông điệp đó là quan hệ EU-Mỹ sẽ trở nên độc lập, “sòng phẳng” hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump và như Cao ủy an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini từng tuyên bố, Nga không có ý định thay đổi quan điểm chính trị với Nga cho dù quan hệ Moskva-Washington có thể thay đổi sau chiến thắng của ông Donald Trump.