Hé lộ nguyên nhân thảm kịch nổ kho hoá chất Beirut
- Hơn 250.000 người mất nhà, một vùng Beirut bị thổi bay sau vụ nổ kinh hoàng
- Số người chết và mất tích trong vụ nổ ở Beirut vượt 200
- Hé lộ lí do mây hình nấm xuất hiện ở Beirut sau vụ nổ
Reuters ngày 5/8 dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra Lebanon cho biết nguyên nhân dẫn đến vụ nổ hơn 2.700 tấn chất hoá học ammonium nitrate tại nhà kho cảng Beirut ở Lebanon chiều 4/8 là do "thiếu hành động và sơ xuất trong công tác lưu trữ vật liệu nổ".
Một phần cảng Beirut bị thổi bay, khiến nước biển tràn vào sau vụ nổ. Ảnh: Twitter |
Cả Thủ tướng Lebanon Hassan Diab và Tổng thống Michel Aoun trước đó đều lên tiếng khẳng định khối chất hoá học khổng lồ, vốn được sử dụng làm phân bón, nhưng cũng là thành phần chính của mìn khai khoáng và được ví như "bom phân bón", được lưu trữ tại kho ở cảng Beirut suốt 6 năm qua.
"Đây là một sơ suất", một nguồn tin chính thức nói với Reuters. Nguồn tin này nói rằng một đám cháy đã xảy ra tại nhà kho 9 ở cảng Beirut vào ngày 4/8, sau đó lan ra nhà kho số 12. Đây là nơi lưu trữ khối ammonium nitrate.
Nguồn tin khác của Reuters khẳng định một nhóm chuyên gia đã kiểm tra kho vật liệu tại cảng Beirut từ 6 tháng trước và cảnh báo chúng có thể khiến thủ đô của Lebanon bị nổ tung nếu không được di chuyển, song không có hành động nào được thực hiện.
Đúng như cảnh báo, khi khối "bom phân bón" phát nổ, toàn bộ thủ đô Beirut đã rung lên bần bật, một mảng cảng bị thổi bay, nhà cửa bị xé toạc, mảnh vỡ của xe cộ và cửa kính vương vãi khắp nơi, hơn 250.000 người mất nhà cửa chỉ sau tích tắc.
Đến sáng nay (6/8), giới chức Lebanon xác nhận số người thiệt mạng vì thảm kịch đã tăng lên con số 135, trong khi số người bị thương là hơn 5.000. Số thương vong được dự kiến sẽ tiếp tục tăng, trong bối cảnh hàng trăm gia đình vẫn báo cáo người thân đang mất tích.
Vẫn theo Reuters dẫn lời Quản lý cảng Beirut Hassan Koraytem rằng lô ammonium nitrate được lưu trữ tại nhà kho ở cảng theo lệnh của tòa án. Họ đã biết lô hóa chất này có thể gây nguy hiểm nhưng không nghĩ tình hình nghiêm trọng đến vậy.
"Chúng tôi có đề nghị xuất ngược lô hoá chất này nhưng không ai hồi đáp. Chúng tôi đề nghị những người liên quan xác định lí do cho việc này", Badri Daher, quan chức cơ quan hải quan Lebanon trần tình.
Trên thực tế, cơ quan này đã đề nghị cơ quan tư pháp yêu cầu cơ quan hàng hải có liên quan hoặc là bán lô hoá chất, hoặc là trả nó về nơi xuất phát vào năm 2016 và 2017, nhưng không mang lại kết quả nào.
Khối chất hoá học nguy hiểm nói trên cập cảng từ năm 2013 trên tàu chở hàng Rhosus mang cờ Moldova. Sau quá trình kiểm tra, tàu Rhosus bị cấm ra khơi do không đảm bảo yêu cầu kĩ thuật. Con tàu sau đó bị bỏ rơi còn lô hoá chất được chuyển vào kho từ năm 2014.