Hàn Quốc lạc quan về khả năng sớm nối lại đàm phán Mỹ - Triều

Thứ Tư, 19/06/2019, 08:42
Trả lời báo giới sau khi trở về từ Moscow (Nga) ngày 18-6, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết “có nhiều dấu hiệu tốt” cho thấy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên có thể sớm được nối lại.


Nhấn mạnh quan điểm tích cực của Hàn Quốc về vai trò của Nga trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, bà khẳng định cả Seoul và Moscow đều nhất trí nỗ lực nhằm khôi phục động lực đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Liên quan đến tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều, ông Harry Kazianis - chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích quốc gia, cho rằng, chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Triều Tiên phát tín hiệu tới Mỹ về cơ hội nối lại đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng. Theo ông, chuyến thăm trong các ngày 20, 21-6 tới có thể tạo một động lực mới cho đàm phán Mỹ - Triều. 

Trong khi đó, chuyên gia Scott Snyder, nghiên cứu về Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, nêu khả năng sẽ có thêm các cuộc gặp thượng đỉnh có sự tham gia của Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc. Các quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington và Bắc Kinh cùng có chung mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên. 

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha.

Một quan chức Nhà Trắng cho hay: “Mục tiêu của chúng tôi là phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách toàn diện, đầy đủ có kiểm chứng. Thế giới đang theo dõi sát sao việc thực hiện các cam kết phi hạt nhân hóa của nhà lãnh đạo Triều Tiên”. 

Trong khi đó, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc nằm trong số các quốc gia liên quan. Quan chức này nhấn mạnh: “Mỹ, cùng với các đối tác và đồng minh, và các nước thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), trong đó có Trung Quốc, tuân thủ mục tiêu chung là đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên toàn diện, đầy đủ và có kiểm chứng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác, và các nước thành viên thường trực khác của HĐBA LHQ, trong đó có Trung Quốc để đạt mục tiêu này”.

Theo giới phân tích, Mỹ và Triều Tiên nên duy trì thực hiện các mục tiêu dài hạn đã được nhất trí tại Singapore hồi năm ngoái, bao gồm phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, và các mối quan hệ hòa bình. 

Nhưng hiện nay, họ nên theo đuổi một thỏa thuận tạm thời: có các bước đi cụ thể có kiểm chứng tiến tới phi hạt nhân hóa, và đổi lại Triều Tiên sẽ được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt và hợp tác kinh tế liên Triều chặt chẽ hơn. Một bước quan trọng sẽ là việc tháo dỡ tất cả các cơ sở làm giàu và tái xử lý hạt nhân tại cơ sở chính Yongbyon. 

Nước này cũng nên ngừng tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân, cung cấp danh sách đầy đủ các cơ sở hạt nhân, và hoan nghênh các thanh sát viên quốc tế tới kiểm chứng. Đổi lại, Mỹ có thể chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên, 66 năm sau khi Hiệp định đình chiến được ký. Sau đó sẽ là thiết lập các văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng và Washington DC, và dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt của LHQ.

Hàn Quốc có thể hỗ trợ bằng cách theo đuổi hợp tác liên Triều. Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã cam kết cung cấp 8 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực y tế và môi trường. Nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng, hai miền Triều Tiên có thể xem xét khôi phục tổ hợp công nghiệp Kaesong, mở cửa lại khu du lịch Núi Kumgang, xây dựng đường sắt, đường bộ và mạng lưới năng lượng kết nối hai miền Nam Bắc. 

Hợp tác kinh tế liên Triều được hoạch định tốt có thể mang lại sự thay đổi thực sự, từ dưới lên trên trong xã hội Triều Tiên. Sử dụng viện trợ và hợp tác kinh tế làm đòn bẩy, Hàn Quốc nỗ lực thuyết phục Triều Tiên thực hiện cải cách theo định hướng thị trường, bao gồm các biện pháp công nhận sở hữu tư nhân và bảo vệ đầu tư nước ngoài. Căn cứ vào lợi ích của chính mình trong việc củng cố nền kinh tế đất nước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể chấp nhận. 

Các dự án hợp tác, đặc biệt là các dự án liên quan đến đầu tư quy mô lớn, nên được lên kế hoạch cẩn thận, để các dự án đó - bên cạnh việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt - thúc đẩy sự hội nhập của Triều Tiên vào hệ thống thương mại và sản xuất của Đông Bắc Á. 

Họ cũng nên giúp nước này từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân, thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, và gia nhập các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại thế giới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.