Hơn hai tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên toàn thế giới

Thứ Năm, 03/06/2021, 18:19
Hơn hai tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên khắp thế giới, tờ AFP dẫn các nguồn chính thức hôm 3/6 cho biết.

Cột mốc quan trọng này đạt được sau 6 tháng kể từ khi các chiến dịch tiêm chủng đầu tiên chống COVID-19 bắt đầu.

Ít nhất 2.109.696.022 liều vaccine đã được tiêm ở 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo số liệu AFP có được từ các nguồn chính thức.

Hơn hai tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên toàn thế giới. (Nguồn: ITN)

Israel, quốc gia đã dẫn đầu cuộc đua tiêm chủng ngay từ đầu, vẫn đang xếp đầu tiên với tỷ lệ 6/10 người được tiêm chủng đầy đủ. Tiếp theo là Canada (59% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi), Vương quốc Anh (58,3%), Chile (56,6%) và Mỹ (51%).

Cứ 6/10 mũi tiêm đã được thực hiện ở ba quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc (704,8 triệu liều), Mỹ (296,9 triệu) và Ấn Độ (221 triệu).

Gần 4/10 người ở Liên minh châu Âu đã được tiêm ít nhất 1 mũi, trong đó Đức dẫn đầu với 43,6%, tiếp theo là Italia với 40%, Pháp và Tây Ban Nha với 39,4%.

Tới nay chỉ còn 6 quốc gia trên thế giới chưa triển khai chiến dịch tiêm chủng là Triều Tiên, Haiti, Tanzania, Chad, Burundi an Eritrea.

Với các chương trình tiêm chủng hiện đang được tăng tốc trên toàn cầu, Trung Quốc đang dẫn đầu nhóm các quốc gia tiêm chủng nhanh nhất trong tuần qua khi tiêm cho 1,37% dân số mỗi ngày. Bahrain và Uruguay cũng tiêm được khoảng 1% dân số mỗi ngày. Trong khi Đức dẫn đầu nhóm EU, tiếp theo là Italia (0,81%) và Tây Ban Nha (0,71%).

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, tốc độ tiêm chủng ở Ấn Độ và Brazil chậm hơn nhiều, lần lượt là 0,19% và 0,29%.

Trên thực tế, vẫn có sự bất bình đẳng rất lớn trong việc tiêm vaccine, chỉ có 2,5 liều/100 người ở châu Phi so với 87/100 ở Mỹ, Canada và 47/100 ở châu Âu.

Các quốc gia nghèo nhất thế giới chỉ mới tiêm được 0,3% số mũi, trong khi các quốc gia giàu nhất nhận được 4/10 mũi tiêm dù họ chỉ chiếm 16% dân số toàn cầu.

Oxford/AstraZeneca đang là loại vaccine được sử dụng rộng rãi nhất, được sử dụng ở 170/215 quốc gia đã triển khai tiêm chủng. Tiếp theo là vaccine Pfizer/BioNTech, đang được sử dụng ở ít nhất 97 quốc gia; Moderna (ít nhất 46 quốc gia); Sinopharm (45 quốc gia); Sputnik V (40 quốc gia); Johnson & Johnson (29 quốc gia).

AstraZeneca là loại vaccine chính trong chương trình chia sẻ COVAX cho các nước nghèo hơn, trong khi Pfizer và Moderna, vốn khó bảo quản hơn, dành cho các nước giàu hơn.

Giống như Sputnik V của Nga, vaccine Trung Quốc do Sinopharm và Sinovac phát triển đã được hầu hết các quốc gia mới nổi hoặc đang phát triển sử dụng.

Cao Trung
.
.
.