Giải Nobel Hòa bình 2020 vinh danh Tổ chức Lương thực thế giới

Thứ Bảy, 10/10/2020, 07:13
Ngày 9/10, Ủy ban Giải thưởng Nobel Norway tại Oslo tuyên bố Giải Nobel Hòa bình năm 2020 được trao cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ). WFP xứng đáng được vinh danh Giải Nobel Hòa bình năm 2020 vì những nỗ lực không mệt mỏi của tổ chức quốc tế này nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trên thế giới.


Trong tuyên bố của mình, Ủy ban Giải thưởng Nobel nêu rõ: “Nhu cầu đoàn kết và hợp tác đa phương hiện nay nổi bật hơn bao giờ hết. Ủy ban Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2020 cho WFP vì những nỗ lực chống lại nạn đói, vì những cống hiến của tổ chức này trong việc cải thiện điều kiện hòa bình ở các khu vực chịu ảnh hưởng của xung đột, cũng như đóng vai trò như một động lực trong nỗ lực ngăn chặn việc lợi dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh và xung đột”. 

Chủ tịch Ủy ban Nobel Norway, bà Reiss-Andersen đánh giá các nỗ lực của WFP không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, nhất là ở châu Phi, mà còn đóng góp cho ổn định và an ninh toàn cầu, cũng như vai trò thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn sử dụng đói nghèo làm vũ khí cho chiến tranh và xung đột. Khi được báo giới hỏi liệu đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng đến quyết định trao Giải Nobel Hòa bình cho WFP, bà Reiss-Andersen khẳng định dù đại dịch có không xảy ra thì WFP vẫn xứng đáng nhận giải năm nay.

Giải Nobel Hòa bình 2020 tri ân WFP trong việc bảo đảm an ninh lương thực.

WFP là chương trình viện trợ lương thực của LHQ và là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giải quyết nạn đói. Trong những năm gần đây, tình hình diễn biến xấu đi, theo đó chỉ riêng năm 2019 có 135 triệu người bị đói ở mức khẩn thiết, cao nhất trong nhiều năm, chủ yếu do chiến tranh và xung đột vũ trang. Cũng trong năm 2019, WFP đã hỗ trợ gần 100 triệu người là nạn nhân của nạn đói và mất an ninh lương thực tại 88 quốc gia. 

Trong bối cảnh năm 2020 thế giới bị chi phối bởi xung đột, sự bất ổn và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người, giải thưởng Nobel Hòa bình mang nhiều ý nghĩa hơn. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng số nạn nhân của nạn đói trên thế giới. 

Tại các quốc gia như Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso, xung đột bạo lực kết hợp với đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể số người đứng bên bờ vực của nạn đói. 

Đối mặt với đại dịch, WFP đã chứng tỏ năng lực ấn tượng trong việc tăng cường và phát huy vai trò của mình. WFP cũng đã đi đầu trong việc phối hợp công tác viện trợ nhân đạo với nỗ lực thúc đẩy hòa bình thông qua các dự án tiên phong ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á. WFP cũng là bên tham gia tích cực vào tiến trình ngoại giao mà đỉnh điểm là vào tháng 5/2018, khi Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua Nghị quyết 2417, lần đầu tiên làm rõ mối quan hệ giữa xung đột và nạn đói.

Theo Ủy ban Giải thưởng Nobel Norway, mối liên hệ giữa nạn đói và xung đột vũ trang là một vòng luẩn quẩn: chiến tranh và xung đột có thể gây ra tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói, cũng như nạn đói và mất an ninh lương thực có thể khiến xung đột “âm ỉ cháy” và chực chờ bùng phát, từ đó kích hoạt bạo lực. 

Ủy ban nhấn mạnh thế giới sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu xóa đói chừng nào chiến tranh và xung đột vũ trang chưa chấm dứt. Do đó, với việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay cho WFP, Ủy ban muốn nhấn mạnh rằng việc cung cấp hỗ trợ để tăng cường an ninh lương thực không chỉ ngăn chặn nạn đói, mà còn có thể giúp cải thiện triển vọng ổn định và hòa bình.

Năm 2019, Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed để vinh danh nhờ những nỗ lực và đóng góp không mệt mỏi của ông cho hòa bình-hòa giải quốc tế, cũng như vai trò quan trọng mà ông đã đóng góp vào việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 20 năm với quốc gia láng giềng Eritrea. 

Giải Nobel Hòa bình được trao lần đầu tiên vào năm 1901 và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed là chủ nhân thứ 100 của giải thưởng này. Người trẻ tuổi nhất từng được trao Giải Nobel Hòa bình là nhà hoạt động Malala Yousafzai (người Pakistan) vào năm 2014 khi mới 17 tuổi. Nobel Hòa bình là giải thứ 5 được công bố trong mùa giải Nobel năm 2020.

Trước đó, Giải Nobel Y sinh năm 2020 đã thuộc về các nhà khoa học Harvey J. Alter (Mỹ), Michael Houghton (Anh) và Charles M.Rice (Mỹ) để vinh danh những nghiên cứu về nguồn gốc chính gây bệnh viêm gan C; Giải Nobel Vật lý năm 2020 vinh danh ba nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez với công trình nghiên cứu về "Hố đen" trong vũ trụ; Giải Nobel Hóa học năm 2020 vinh danh hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier (sinh năm 1968, người Pháp) và Jenifer A. Doudna (sinh năm 1964, người Mỹ) với công trình nghiên cứu về phương thức chỉnh sửa bộ gien; và Giải Nobel Văn học năm 2020 được trao cho nhà thơ người Mỹ Louise Gluck với những "vần thơ không thể nhầm lẫn, nét đẹp toát lên từ sự thống khổ, khiến cho sự hiện hữu của mỗi cá nhân trở nên phổ quát".

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.