Gia tăng căng thẳng quan hệ Nga - Montenegro

Thứ Tư, 07/06/2017, 09:59
Ngày 5-6 (theo giờ Mỹ), quốc gia nhỏ bé vùng Balkan Montenegro đã chính thức trở thành thành viên thứ 29 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sự mở rộng lần này của NATO về phía Đông châu Âu một lần nữa lại tạo nên những đợt sóng căng thẳng mới trong quan hệ với Nga.


Quyết định kết nạp thành viên thứ 29 là Montenegro được các quốc gia trong NATO nhất trí thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra hồi cuối tháng 5 tại thủ đô Brussels của Bỉ. 

Buổi lễ ký kết gia nhập NATO của Montenegro được chính thức thực hiện tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tại thủ đô Washington D.C (Mỹ). Đích thân Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic đã tới Mỹ tham dự buổi lễ này. 

Tại đây, ông Dusko Markovic nhấn mạnh: “Đây là một sự kiện lịch sử cho một đất nước đã nếm trải nhiều hy sinh, mất mát trong thế kỷ XIX và XX để bảo vệ quyền được có một cuộc sống tự do, quyền tự quyết định tương lai, được thế giới công nhận bằng chính cái tên của chúng tôi và các biểu tượng quốc gia của chúng tôi…”. 

Montenegro chỉ có 2.000 binh sĩ nhưng nước này lại kiểm soát các vùng cảng biển duy nhất trên biển Adriatic, nơi mà cả NATO và Nga cho là vị trí chiến lược. Ảnh: AP.

Theo kế hoạch, sau buổi lễ gia nhập NATO, Thủ tướng Montenegro Dusko Markovi có cuộc gặp quan trọng với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhưng không gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Hãng tin AP cho biết, việc phê chuẩn Montenegro gia nhập NATO là một trong những bước đi mới của Mỹ trong chiến lược ngoại giao dưới quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã kêu gọi Thượng viện Mỹ nhanh chóng phê chuẩn Montenegro là thành viên mới nhất của NATO với lý do là “việc này rất cần cho lợi ích của Mỹ”. Còn Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thì ca ngợi việc Montenegro gia nhập tổ chức này là tốt cho hòa bình và an ninh thế giới. 

Ông Jens Stoltenberg khẳng định: “Việc này gửi tín hiệu đến các quốc gia khác mong muốn trở thành thành viên của NATO rằng nếu nước đó thực sự cải cách, đẩy mạnh nền dân chủ và tăng cường luật pháp, hiện đại hóa sức mạnh quân sự và đóng góp vào sự phòng thủ chung, họ đều có thể gia nhập liên minh”. 

Cũng theo Tổng Thư ký NATO, các thành viên NATO cho rằng, việc Montenegro gia nhập tổ chức này cũng là một cách để chống lại các nỗ lực của Nga mở rộng ảnh hưởng ở vùng Balkans.

Là một quốc gia chỉ có hơn 620.000 dân, Montenegro nằm ở vị trí địa chiến lược tại khu vực Balkan và có thể giúp khối NATO mở rộng biên giới tại vùng biển Adriatic. Đây là những lý do khiến quốc gia từng thuộc khối Nam Tư (cũ) này là một trong những mục tiêu tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và NATO suốt thời gian qua. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tháng 12 - 2009, Montenegro đã nhận được kế hoạch hành động để trở thành thành viên của NATO. Các cuộc đàm phán về vấn đề này sau đó bắt đầu được thực hiện từ năm 2010. Kể từ đó, mối quan hệ của Nga và Montenegro cũng bắt đầu xấu đi bởi Moskva cho rằng việc Montenegro gia nhập NATO là hành động chống Nga. 

Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga đã mô tả động thái Quốc hội Montenegro phê chuẩn thành luật cho việc gia nhập NATO của nước này trong bối cảnh biểu tình phản đối trên cả nước là “sự vi phạm các nguyên tắc dân chủ”. 

Và ngay khi Thủ tướng Montenegro đến Washington D.C dự lễ kết nạp vào NATO, Nga cũng đã cảnh báo sẽ trả đũa “quyết định thù địch” của Montenegro, đồng thời lên án “tư tưởng bài xích Nga” của nước này. 

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga đưa ra ngày 5-6 nêu rõ, Montenegro phải “chịu trách nhiệm hoàn toàn” với việc tham gia các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu nhằm vào Nga có hiệu lực từ năm 2014, sau khi quốc gia này trở thành thành viên thứ 29 của NATO. 

Tuyên bố có đoạn viết: “Với con đường thù địch mà nhà chức trách Montenegro đã lựa chọn, phía Nga có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng”.

Đáp trả những động thái của Moskva, từ tháng 10 năm ngoái, Montenegro đã cáo buộc các tổ chức gián điệp và những tổ chức ở trong nước ủng hộ Nga tổ chức ám sát Thủ tướng. Tuy nhiên, đây chỉ là những lời cáo buộc vô căn cứ vì phía Montenegro không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh. Điện Kremlin cũng đã phủ nhận điều này. 

Chưa hết, Ngoại trưởng Montenegro Srdjan Darmanovic thì cáo buộc Nga âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, cản trở tiến trình gia nhập NATO. Còn Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic thì cho biết, Nga đã bí mật đưa một loạt các quan chức Montenegro vào danh sách cấm nhập cảnh… 

Giới quan sát thì nhận định, việc kết nạp Montenegro vào NATO sẽ tạo ra “một cuộc chiến căng thẳng mới” giữa Nga và Montenegro cũng như Nga và NATO.

Phan Hiển
.
.
.