EU đạt được bước tiến quan trọng mới về an ninh, quốc phòng
- Tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Indonesia
- Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Pháp và Ấn Độ
- Ấn - Nhật cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng
Thỏa thuận quốc phòng vừa được ký kết hôm 13-11 tại Brussels, Bỉ, bởi 23 trên 28 thành viên hiện tại của EU có tên gọi “Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường xuyên về quốc phòng” (PESCO). 5 nước còn lại đứng ngoài thỏa thuận này bao gồm Anh, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Ireland và Malta.
Trong khi đó, Áo, một quốc gia khá trung lập trong khối đã đồng ý với các lãnh đạo khác vào phút chót. Tuy Anh đã quyết định rời EU nhưng Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ PESCO. Các nước thành viên EU lựa chọn không tham gia hiện nay có thể xin gia nhập sau nếu muốn. Thỏa thuận này đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong nội khối EU cũng như phát triển hệ thống vũ khí.
Theo đó, 23 nước thành viên EU đã ký kết PESCO sẽ đóng góp khoảng 5,8 tỷ USD vào ngân sách quốc phòng chung, được sử dụng để mua sắm vũ khí và đầu tư cho nhiều hoạt động quốc phòng.
Các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng EU sau lễ ký sơ bộ của Thỏa thuận PESCO ngày 13-11, tại Brussels, Bỉ. |
Cụ thể, theo Reuters, PESCO sẽ tập trung phát triển các thiết bị quân sự mới cho EU như xe tăng hay máy bay không người lái. Các nước tham gia cũng cam kết sẽ “thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng”, dành 20% ngân sách quốc phòng để mua sắm trang thiết bị và 2% cho nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc phòng.
Không dừng lại ở đó, thỏa thuận cũng yêu cầu các nước thành viên cung cấp “hỗ trợ thực chất” cho các sứ mệnh quân sự của EU. Các thành viên PESCO sẽ phải đệ trình kế hoạch quốc phòng và tiến hành đánh giá hằng năm để đảm bảo sự tuân thủ các cam kết trong PESCO, nếu không sẽ phải rời khỏi thỏa thuận này. Các nước tham gia PESCO sẽ có cơ hội giúp đỡ nhau khắc phục những yếu kém còn tồn tại và thu hẹp khoảng cách trong tiềm lực quốc phòng giữa các nước.
PESCO được thai nghén ý tưởng từ những năm 1950, trải qua nhiều lần thảo luận và từng bị trì hoãn vì sự phản đối mạnh mẽ từ Anh. London từ lâu đã bày tỏ lo ngại về sự hợp tác quốc phòng ngày càng sâu rộng của EU có thể dẫn đến việc “Quân đội châu Âu” được thành lập, khiến nhiều nước, đặc biệt là Anh có thể bị mất tự chủ về quốc phòng.
Tuy vậy, sự kiện người dân Anh hồi năm 2016 bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu cũng như sức ép từ Mỹ khi Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích nhiều nước EU đồng thời là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng góp quá hạn chế cho ngân sách của tổ chức này, đã như thêm động lực để một số nước đầu tàu của EU như Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha cùng thúc đẩy “hồi sinh” lại PESCO, củng cố lại hình ảnh một châu Âu mạnh mẽ và đoàn kết.
Sau khi thỏa thuận này được ký kết sơ bộ ngày 13-11, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã nhấn mạnh, đây là một “bước tiến lịch sử” về an ninh và quốc phòng đối với các nước châu Âu. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nêu rõ, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, EU đã nhận thức rõ rằng khối này sẽ phải tự giải quyết các vấn đề của mình và do đó việc cần phải tổ chức lại theo hướng độc lập đã trở nên cấp thiết. Dự kiến, PESCO sẽ chính thức được khởi động để có tính ràng buộc về mặt pháp lý trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 12 tới.
Cách đây một năm, ngày 14-11-2016, Hội đồng gồm các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU đã thông qua các kết luận về triển khai Chiến lược toàn diện châu Âu trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Ngày 13-11 đánh dấu thêm bước tiến mới trong hợp tác về an ninh và quốc phòng của các nước EU khi hội đồng này đã thảo luận về việc triển khai Chiến lược toàn diện của EU trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng đồng thời cũng thông qua kết luận trong khuôn khổ chiến lược này, trong đó nêu bật các tiến bộ đáng kể về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Ngoài ra, hội đồng này cũng đã nhất trí về Quỹ bảo vệ châu Âu nhằm thúc đẩy sự đổi mới và cho phép các nền kinh tế đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghiệp quốc phòng bằng cách hỗ trợ các dự án hợp tác, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng EU.