EU có mở cánh cửa liên minh cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Chủ Nhật, 20/11/2016, 10:54
Nghị viện châu Âu (EP) hôm 18-11 vừa qua đã quyết định tổ chức một cuộc thảo luận về nghị quyết kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) ngừng đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU dựa trên những hành động của chính quyền Ankara. Cuộc thảo luận này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22-11 và hai ngày sau đó sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu.

Trước đó, hôm 15-11, Đức đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định về vấn đề gia nhập EU.

Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại thủ đô Ankara hôm 15-11, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố không ủng hộ việc dừng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này gia nhập EU, song cho rằng, Ankara cần quyết định có thúc đẩy nỗ lực gia nhập EU nữa hay không.

Mặc dù thừa nhận Berlin và Ankara vẫn bất đồng quan điểm về chiến dịch truy quét mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15-7, nhưng người đứng đầu ngành Ngoại giao Đức nhấn mạnh ông ủng hộ mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Steinmeier đồng thời khẳng định sự hỗ trợ của Berlin đối với Ankara trong cuộc chiến chống những mối đe dọa “khủng bố”.

Về phần mình, Ngoại trưởng nước chủ nhà đã chỉ trích “tính hai mặt và các tiêu chuẩn kép” của EU trong vấn đề chống khủng bố. Chia sẻ quan điểm này, phát biểu cùng ngày trước các thành viên của đảng Công lý và Phát triển cầm quyền tại Quốc hội, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố EU cần “lựa chọn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và những kẻ thù”, đồng thời cho biết Brussels không nên kỳ vọng Ankara thay đổi luật chống khủng bố của nước này.

Trước đó, ngày 14-11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chỉ trích việc Chủ tịch EP Martin Schulz để ngỏ khả năng có thể trừng phạt Ankara liên quan đến việc bắt giữ các chính trị gia và nhà báo mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc có liên quan đến khủng bố.

Tổng thống Erdogan đã viện dẫn những lời kêu gọi từ một số nước thành viên EU về việc chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập liên minh này với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nêu rõ Ankara sẽ đợi đến cuối năm nay, và sau đó đưa vấn đề này ra trưng cầu ý dân. Ngoài ra, nhà lãnh đạo này cũng khẳng định sẽ phê chuẩn nếu quốc hội nước này thông qua một đạo luật về việc khôi phục hình phạt tử hình.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong một buổi gặp mặt. Ảnh: ec.europa.eu.

Cũng chỉ trích Chủ tịch Schulz khi đe dọa trừng phạt Ankara, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho rằng, một báo cáo gần đây của EU về Ankara là “thiên lệch” và “không thân thiện”. Những tuyên bố trên được giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch EP cho rằng, EU cần cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Erdogan bắt giữ các chính trị gia và nhà báo với cáo buộc liên quan tới các nhóm khủng bố sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua.

Quan chức này cũng nhắc lại lập trường của EU phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục hình phạt tử hình, cảnh báo các cuộc đàm phán về việc gia nhập liên minh này sẽ kết thúc nếu điều đó xảy ra.

Có cùng quan điểm với Ngoại trưởng Đức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định việc chấm dứt đàm phán về tư cách thành viên với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại” trừ khi Ankara áp dụng lại hình phạt tử hình.

Một số nước thành viên EU lo ngại nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thỏa thuận về giải quyết vấn đề nhập cư với liên minh. Tuy nhiên, nhiều quan chức EU lại có quan điểm khác. Chẳng hạn, trong cương lĩnh tranh cử Tổng thống Pháp, cựu Tổng thống nước này Nicolas Sarkozy đã tung ra quan điểm “Không chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ thuộc về EU”. Điều này cho thấy, chủ định của ông Sarkozy là không để cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, hay nói cho đúng hơn là không để cho EU kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn Ngoại trưởng Cộng hòa Czech Lubomir Zaoralek thì tuyên bố rằng, EU cần thận trọng và có giới hạn trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có lý do nước này có thể áp dụng trở lại án tử hình. Tuy nhiên ông Zaoralek cũng khẳng định rằng, việc duy trì mối quan hệ ổn định có lợi cho cả EU và Thổ Nhĩ Kỳ, trước hết là nhằm mục đích giải quyết dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đổ tới châu Âu qua đường Hy Lạp.

Theo giới chuyên gia, hiện tại, trong nội bộ EU có bất đồng quan điểm sâu sắc về chính sách đối với Thổ Nhĩ Kỳ. EU cần Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chưa thật sự sẵn sàng mở cửa liên minh cho Thổ Nhĩ Kỳ. Do vậy, liên minh này, một mặt thì “ra vẻ” từ chối, nhưng mặt khác thì vẫn phải tiếp tục duy trì đàm phán với Ankara. Đó là do, thứ nhất, việc ngưng tiến trình đàm phán về việc gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ, mà trong thực tế đã bị bế tắc từ nhiều năm trước, không tác động tích cực tới diễn biến tình hình hiện nay ở nước này.

Tiếp đó, việc chấm dứt đàm phán sẽ khiến EU bỏ rơi các lực lượng dân chủ trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Tiến trình dân chủ hóa xã hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng quan trọng tương tự tiến trình đàm phán gia nhập châu Âu của Ankara. Thứ ba, ngưng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấm dứt hy vọng tìm giải pháp cho việc thống nhất Cộng hòa Cyprus, đang ở trong giai đoạn rất quan trọng. Việc đảm bảo sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với thỏa thuận này, nhất là liên quan đến vấn đề an ninh, đóng vai trò quyết định đối với thành công của quá trình đàm phán về một thỏa thuận hòa bình vốn đã diễn ra trong hai năm qua.

Và cuối cùng, việc EU ngưng đàm phán gia nhập với Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ khiến tình hình khu vực Trung Đông trở nên bất ổn nghiêm trọng hơn.

Khổng Hà
.
.
.