EU bác đề xuất của Anh về Brexit, London có thể ra đi “tay trắng”
- Tương lai mịt mù của tiến trình đàm phán Brexit
- Brexit could sway Scottish voters toward independence from UK: poll
- 'Not the End of the World': PM May Claims UK Can Benefit From No-Deal Brexit
- Brexit: “Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”
EU bác đề xuất của Anh
Chỉ còn hơn 6 tháng nữa là tới thời điểm Anh rời khỏi EU (Brexit), tháng 3-2019, song lo ngại về khả năng hai bên không đạt được thỏa thuận nào trước thời điểm “ly hôn” ngày càng trở nên rõ ràng khi London và lãnh đạo 27 nước EU vẫn bất đồng trong một số vấn đề quan trọng như “đường biên giới cứng” giữa Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) và Cộng hòa Ireland, cùng một số điều khoản trong thỏa thuận thương mại mới giữa Anh-EU.
Reuters ngày 21-9 đưa tin, sau cuộc trao đổi giữa các nhà lãnh đạo châu Âu và Thủ tướng Anh Theresa May kéo dài 2 ngày kể từ ngày 19-9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk tuyên bố, đề xuất của London về mối quan hệ thương mại với EU hậu Brexit sẽ không thể trở thành hiện thực bởi các nhà lãnh đạo EU tin rằng kế hoạch Brexit mang tên “Chequers” của Thủ tướng Anh Theresa May sẽ gây tổn hại tới thị trường chung đơn nhất của EU, nói cách khác là khối này sẽ không chấp thuận kế hoạch trên đến khi nó được sửa đổi phù hợp.
Một người đàn ông cùng tấm biển “Brexit: Liệu có đáng không?” đứng ngoài tòa nhà Quốc hội Anh. Ảnh: Reuters |
Ông Tusk cũng nhấn mạnh, dù không khí trao đổi giữa bà May và lãnh đạo 27 nước EU đã cải thiện hơn trước, song có một số vấn đề mà khối này chắc chắn không đặt lên bàn cân với Anh như bốn nguyên tắc tự do căn bản của thị trường chung châu Âu hay vấn đề biên giới Ireland.
Phía EU cần những đảm bảo chính xác, rõ ràng và mạnh mẽ hơn từ London và hy vọng hai bên có thể gặp nhau trong tư thế sẵn sàng hơn tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 18-10, thời điểm được xem như hạn chót để Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu kịp phê chuẩn thỏa thuận này trước thời điểm chính thức “ly hôn”.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhận định các đề xuất của Thủ tướng May về quan hệ kinh tế Anh-EU hậu Brexit là “không thể chấp nhận được” do thiếu “sự tôn trọng” đối với thị trường chung EU. Ông nói rằng lãnh đạo 27 nước EU kỳ vọng London sẽ đưa ra những đề xuất khác vào tháng 10 nhằm tránh việc hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào trước khi Anh ra đi.
“Chắc chắn, chúng tôi sẽ không chấp nhận một thỏa thuận làm tổn hại đến EU. Tôi tôn trọng chủ quyền của người Anh nhưng tôi cũng tôn trọng chủ quyền của 27 thành viên khác. Để bảo vệ lợi ích của nước Pháp và các nước thành viên khác thì không nên có một thỏa thuận mù quáng”, Tổng thống Macron nói.
Ngay sau khi EU bác đề xuất về kế hoạch “Chequers”, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà sẽ sớm công bố các ý tưởng mới giải quyết vấn đề thương mại tại khu vực biên giới Bắc Ireland. Bà cũng cho hay London đang đẩy nhanh việc xây dựng một chiến lược Brexit đầy đủ hơn để kịp đưa ra tại hội nghị ngày 18-10 tới với các nhà lãnh đạo EU.
Tuy nhiên, bà May cũng tiếp tục khẳng định nếu không thể đạt được một thỏa thuận Brexit “chấp nhận được”, London “sẵn sàng rời khỏi EU” mà không có một thỏa thuận.
Áp lực từ cả trong lẫn ngoài
Bà May được lựa chọn làm Thủ tướng Anh thay thế ông David Cameron cách đây 2 năm với nhiệm vụ đưa Anh rời khỏi EU theo ý nguyện của quá bán số phiếu trưng cầu ở nước này về Brexit, nhưng bà lại thuộc phe ủng hộ “Brexit mềm”, tức hướng nước Anh rời khỏi EU nhưng không phải cắt đứt hoàn toàn quan hệ, mà kèm theo các thỏa thuận phù hợp với lợi ích của người dân và doanh nghiệp 2 bên.
“Chequers” là một kế hoạch như thế. Nó bao gồm việc tạo ra một thỏa thuận thương mại song phương, cũng như duy trì quan hệ an ninh, năng lượng, hàng không… giữa London và Brussels. Mặc dù vậy, phe phản đối “Chequers”, tức muốn “Brexit cứng”, cho rằng kế hoạch này quá mềm yếu, khiến người Anh chịu sự chi phối của EU và làm hạn chế khả năng hợp tác của nước này với những nền kinh tế khác như Mỹ.
Việc EU không chấp nhận những điểm trọng tâm trong kế hoạch Brexit của bà May, vốn được Nội các Anh thông qua giữa tháng 7 một cách khó nhọc, cho thấy Thủ tướng Theresa May khả năng sẽ phải chịu nhiều sức ép từ cả EU lẫn trong nội bộ (từ các phe phái trong Quốc hội Anh) để tìm kiếm được một thỏa thuận ly hôn trước “giờ G”. Cần nhắc lại rằng, để kế hoạch về Brexit được hiện thực hóa, nó phải được cả Nghị viện châu Âu lẫn Quốc hội Anh thông qua.
Tờ Huffington Post ngày 21-9 dẫn lời cựu Bộ trưởng phụ trách Brexit Anh David Davis, người cùng cựu Ngoại trưởng Boris Johnson rời nội các Anh vì bất đồng với bà May 2 tháng trước, cho biết, có khoảng 40 nghị sỹ Anh sẵn sàng thông qua văn kiện này, song, một nhóm các nghị sĩ nòng cốt có quan điểm cứng rắn thuộc Nhóm nghiên cứu châu Âu (ERG) lại quyết tâm phủ quyết các kế hoạch Brexit của nữ Thủ tướng Anh.
Đây là nhóm tập hợp các nhà lập pháp ủng hộ một thỏa thuận Brexit dứt khoát với EU. Khi các nhóm này phối hợp với 3 chính đảng đối lập khác tại Anh gồm Công đảng, đảng Dân tộc Scotland (SNP) và đảng Dân chủ tự do, vốn luôn công khai phản đối mọi kế hoạch của bà May, thì khả năng thông qua bất cứ thỏa thuận nào đều trở nên mong manh.
Tờ Guardian cho biết, chỉ cần 40 trong tổng số 315 nghị sỹ đảng Bảo thủ tại Hạ viện cùng nghị sĩ các đảng đối lập đồng loạt phủ quyết kế hoạch Brexit của Thủ tướng May, nước Anh nhiều khả năng đối mặt với kịch bản rời “mái nhà chung” EU mà không đạt được thỏa thuận nào, hoặc thậm chí phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit.
Bất chấp việc bà May nhiều lần nói rằng cuộc trưng cầu tiếp theo về Brexit là không thể, Thị trưởng London Sadiq Khan mới đây đã cùng một loạt nhân vật có ảnh hưởng ở Anh kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu để ở lại khối EU. Những người này thậm chí đã đặt tên cho nó là “Cuộc bỏ phiếu của nhân dân”.