Đức - Thổ Nhĩ Kỳ lại "hằm hè" vì Hồi giáo cực đoan

Thứ Bảy, 20/08/2016, 06:50
Hơn 2 tháng sau khi “hục hặc” bởi những câu chuyện trong quá khứ, mối quan hệ ngoại giao “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lại căng như dây đàn sau khi có thông tin rò rỉ về một báo cáo của chính quyền Berlin trong đó khẳng định Ankara tài trợ cho một số nhóm Hồi giáo cực đoan.


Hôm 18-8, trong cuộc gặp gỡ báo chí, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere khẳng định, chính quyền Berlin không có gì phải hối tiếc về những thông tin bị rò rỉ trong báo cáo về Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó cáo buộc Ankara là trung tâm của các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Johannes Dimroth cho hay, báo cáo về Thổ Nhĩ Kỳ do chính Thứ trưởng Nội vụ ký thông qua và ông Thomas de Maiziere cũng như Bộ Ngoại giao không có liên quan gì. Còn phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert thì từ chối bình luận thông tin này và nhấn mạnh rằng, Berlin vẫn coi Ankara là một đối tác trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Theo tin từ hãng Euractiv, tài liệu của Bộ Nội vụ Đức đã được báo chí Đức và tờ Express trích dẫn, trong đó có đoạn viết: “Sự biểu hiện tình đoàn kết và các hành động ủng hộ của đảng cầm quyền AKP và Tổng thống đối với tổ chức Anh em Hồi giáo, phong trào Hamas và các nhóm đối lập vũ trang Hồi giáo ở Syria nhấn mạnh ý thức hệ của họ đối với tổ chức Anh em Hồi giáo rộng lớn hơn…

Những người ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan diễu hành trên đường phố Cologne ở Đức hồi tuần trước.Ảnh: Getty.

Theo kết quả từng bước Hồi giáo hóa chính sách đối nội và đối ngoại kể từ năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nền tảng trung tâm cho các hành động của các nhóm Hồi giáo ở Trung Đông”. Báo cáo này còn cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chưa hết, kênh truyền hình Đức ARD còn phát một phóng sự về vấn đề này dựa trên báo cáo của Bộ Nội vụ Đức.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã ra thông cáo chỉ trích kịch liệt thông tin này, yêu cầu các nhà lãnh đạo Đức đưa ra lời giải thích về những viện dẫn trên và miêu tả sự việc này như là “một minh chứng mới về mưu đồ xảo quyệt” của những người đang tìm cách làm suy yếu Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là sau cuộc đảo chính bất thành hồi giữa tháng 7.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ rõ Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến đấu thực sự để chống chủ nghĩa khủng bố dưới các dạng thức khác nhau và nước này đang chờ đợi các đối tác, đồng minh cũng hành động như vậy.

Rõ ràng, những căng thẳng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lại đang không ngừng gia tăng. Cách đây hơn 2 tháng, Thổ Nhĩ Kỳ từng triệu hồi Đại sứ nước này tại Đức sau khi Hạ viện Đức thông qua nghị quyết cho rằng cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1915 là “tội ác diệt chủng”.

Sau đó, từ cuối tháng 7 đến nay, khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành điều tra và bắt bớ hàng chục ngàn người liên quan đến cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7, quan hệ hai nước này tiếp tục xuất hiện thêm nhiều điểm bất đồng. Chính quyền Ankara không ít lần yêu cầu phía Đức dẫn độ những người ủng hộ Giáo sĩ Fethullah Gulen – người bị cáo buộc là chủ mưu của cuộc đảo chính bất thành và đóng cửa các công ty của Đức có liên quan đến tổ chức do giáo sĩ này thành lập.

Thậm chí, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan còn chỉ trích vì không cho phép ông phát biểu trực tuyến với người ủng hộ ở nước này và cho rằng, Berlin đang “nuôi dưỡng khủng bố”. Về phía Đức, tòa án tại Cologne (Đức) đã không cho phát bài phát biểu của ông Tayyip Erdogan liên quan đến các hoạt động trấn áp của Ankara sau vụ đảo chính bất thành với nhóm người ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ đang diễu hành trên đường phố ở bang này.

Chưa hết, chính quyền Berlin còn kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng luật pháp quốc tế và tiến hành điều tra về đảo chính bất thành theo quy tắc quốc tế, tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu, Hội đồng Châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Sau vụ một nữ công dân Đức bị bắt vì sưu tầm nhiều cuốn sách liên quan đến Giáo sĩ Fethullah Gulen, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer còn khuyến cáo rằng, các cuộc bắt bớ “vô tội vạ” ở Thổ Nhĩ Kỳ đang vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và quyền tự do của công dân. Tính đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 40.000 người bị cho là có liên quan đến đảo chính và sa thải gần 80.000 người phục vụ trong quân đội, an ninh, ngành tư pháp.

Gia Nam
.
.
.