Đức - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng ngoại giao vì chuyện quá khứ

Thứ Hai, 13/06/2016, 09:36
Căng thẳng ngoại giao Đức - Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng là việc Bộ Ngoại giao Đức đưa ra cảnh báo đối với các nghị sĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ trong Quốc hội rằng không nên đi lại tới Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này.

Theo khuyến cáo của Bộ Ngoại giao, nếu đến Thổ Nhĩ Kỳ, sự an toàn của các nghị sĩ này sẽ không được đảm bảo. Ủy viên Chính phủ Đức phụ trách chính sách di cư, tị nạn và hội nhập Aydan Oezoguz, nói: "Không thể nói gì khi biết rằng hiện không thể bay tới Thổ Nhĩ Kỳ".

Trong khi đó, các nghị sĩ Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác cũng đã phải hủy các chuyến công du tới Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ không có phản ứng gì trước các thông tin trên.

Chỉ có tờ Bild là đưa tin, chính quyền Ankara đang lên kế hoạch hành động kiên quyết nhằm vào Berlin để đáp trả nghị quyết của Quốc hội Đức công nhận vụ thảm sát người Armenia thời đế chế Ottoman là tội ác diệt chủng.

Thư ký báo chí của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalyn nêu rõ: "Các nhà chức trách có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, đang chuẩn bị kế hoạch hành động. Các hoạt động chi tiết hơn sẽ được đích thân Tổng thống Recep Tayyip Erdogan duyệt”.

Đồng Chủ tịch đảng Xanh Cem Oezdemir, người đã thúc đẩy nghị quyết công nhận vụ thảm sát người Armenia là một tội ác diệt chủng là một trong những nghị sĩ nhận nhiều đe dọa về an toàn tính mạng. Ảnh: Reuters

Cũng theo nguồn tin từ Bild thì ông Recep Tayyip Erdogan đã công khai nói trước báo giới rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã thu thập được nhiều tài liệu để thực hiện ít nhất 3 vụ kiện chống lại 11 nghị sĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ trong Quốc hội Đức.

Một trong những cáo buộc mà 11 nghị sĩ này phải đối mặt là làm mất uy tín của dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ… Thậm chí, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn cho rằng, 11 nghị sĩ này nên đi “thử máu” và cáo buộc họ là những người “máu nhuộm và khủng bố”.

Ông Recep Tayyip Erdogan cũng tuyên bố nước này không bao giờ chấp nhận những cáo buộc rằng đế chế Ottoman đã phạm tội diệt chủng đối với người Armenia trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, đồng thời cho rằng những cáo buộc này được sử dụng để "hăm dọa" Ankara. 

Vậy vụ thảm sát người Armenia đã xảy ra như thế nào và tại sao nó lại tác động mạnh đến quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ đến vậy? Năm 1915, dưới thời đế chế Ottoman, khoảng 1,5 triệu người Armenia đã bị sát hại một cách có hệ thống. Nhiều người khác bị cưỡng bức di dời và bị bỏ đói…

Theo các nhà sử học, ngoài những khác biệt về sắc tộc và tôn giáo (người Armenia theo đạo Cơ đốc), cuộc diệt chủng còn xuất phát từ sự thất vọng vì thất bại quân sự của người Thổ chống người Nga trên dãy núi Kavkaz.

Trong cuộc chiến 5 ngày kết thúc ngày 3-1-1915, người Nga đã đập tan cuộc tấn công của người Thổ. Trong 95.000 quân Thổ đi chiến đấu, chỉ còn 18.000 người trở về, khoảng 50.000 người bị chết cóng. Đã lan truyền tin đồn rằng các binh sĩ người Armenia trong quân đội đã bỏ chạy về phía người Nga khiến sự trung thành của người Armenia bị nghi ngờ.

Cuối tháng 2-1915, người Thổ bãi nhiệm các quan chức người Armenia. Họ chuyển các binh sĩ người Armenia khỏi các đơn vị chiến đấu, đưa họ vào các binh đoàn lao công. Họ bỏ tù các sĩ quan quân sự Armenia, ra sắc lệnh người Armenia không được phép mang vũ khí.

Người Thổ bắt đầu cuộc truy tìm các vũ khí cất giấu bí mật trong cộng đồng Armenia. Sau đó vài tháng thì chương trình xua đuổi người Armenia khỏi quê hương bắt đầu được thực hiện. Trong quá trình bị cưỡng bức di chuyển, nhiều người Armenia đã phản kháng, nhưng không thành công và bị giết chết. Nhiều người đã bỏ chạy, một số trốn vào sa mạc khô cằn nơi họ bị tấn công bởi người Kurd Hồi giáo cũng ghét người Armenia. Một số kết thúc cuộc đời trong các trại tập trung ở sa mạc, nơi họ bị bỏ đói đến chết…

Cho đến nay, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn một mực coi vụ tàn sát này chỉ là sự việc bình thường xảy ra trong chiến tranh. Tuy nhiên, Chính phủ và Quốc hội của 25 quốc gia khác, trong đó có một số nước ở châu Âu và cả Quốc hội Mỹ  lại công nhận đây là vụ diệt chủng.

Hôm 2-6, Hạ viện Đức đã thông qua nghị quyết cho rằng cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời đế chế Ottoman vào năm 1915 là tội ác diệt chủng. Hầu hết các nghị sỹ đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết này, chỉ có một phiếu chống và một phiếu trắng.

Đồng thời, tại cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Đức Nobert Lammert cho rằng chính phủ hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ không phải chịu trách nhiệm về một sự kiện đã xảy ra từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nhưng cần phải có trách nhiệm với những gì liên quan trong tương lai.

Giới quan sát nhận định, mặc dù nghị quyết của Hạ viện chỉ là chuyện riêng của nước Đức nhưng nó lại tác động mạnh mẽ cùng nhiều hệ lụy khó lường đến quan hệ hai nước Đức - Thổ Nhĩ Kỳ cũng như chuyện chung khác của cả Liên minh châu Âu (EU).

Những phản ứng của Ankara trong thời gian vừa qua đã chứng minh rõ điều này. Nhiều người còn lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng nghị quyết của Hạ viện Đức cho việc làm khó dễ EU trong vấn đề giải quyết khủng hoảng di cư mà châu lục này đang đối mặt.

Một số nhà phân tích khác thì cho rằng, đây chỉ là chiến thuật mới của Ankara nhằm gây sức ép lên Đức, buộc chính quyền Berlin phải nhượng bộ một số vấn đề nhất là trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang đối đầu căng thẳng với Nga – một đối tác chiến lược của Đức tại châu Âu.

Ngọc Khuê
.
.
.