Dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga có lợi cho đôi bên
- Mấu chốt trong mâu thuẫn giữa EU và Mỹ về lệnh trừng phạt Nga
- Các nước đối tác của EU gia hạn lệnh trừng phạt Nga
Trả lời báo chí trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tháng là đến cuộc tổng tuyển cử tại Đức, bà Merkel nêu rõ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt "sẽ có lợi cho cả nền kinh tế Nga và Đức", song phải đi kèm với một số điều kiện. Cụ thể, bà Merkel cho rằng việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn là vô cùng quan trọng và việc thực hiện thỏa thuận Minsk về Ukraine là điều kiện để dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.
Nữ Thủ tướng Đức khẳng định, bà sẽ tiếp tục làm việc hết sức mình để tìm kiếm một phương pháp ràng buộc các bên thực hiện điều kiện hòa bình - thỏa thuận Minsk về các khu vực Donbass. "Nếu thỏa thuận Minsk được giữ, thì mọi yêu cầu sẽ được đáp ứng để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt tại Nga", Thủ tướng Đức khẳng định.
Quan hệ Nga và phương Tây rơi vào khủng hoảng kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014 dẫn đến các vấn đề nảy sinh liên quan tới cuộc xung đột tại Donbass, miền Đông Ukraine. Thỏa thuận Minsk được coi là cơ sở để giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Donbass, song cho đến nay, các bên xung đột vẫn cáo buộc nhau chưa thực thi triệt để thỏa thuận này.
Nữ Thủ tướng Đức cho biết, đang cùng làm việc với Tổng thống Pháp cũng như với sự hỗ trợ của Mỹ nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ Normandy gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine.
Trước đó, hôm 28-8, trong một tuyên bố chung, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko tôn trọng đầy đủ các cam kết, ủng hộ lệnh ngừng bắn một cách công khai và rõ ràng, đảm bảo đưa ra những chỉ đạo hợp lý cho quân đội cũng như các lực lượng địa phương.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: AP. |
Dễ nhận thấy, thông qua những tuyên bố và khẳng định mạnh mẽ về thỏa thuận Minsk mang đậm tính chất "xử lý khủng hoảng", nữ Thủ tướng Đức đang thể hiện rõ ý chí quyết tâm của mình là tìm ra một hướng đi tích cực cả về chính trị lẫn kinh tế với Nga, từ đó phát triển nền kinh tế của Đức, và khẳng định vị thế của chính bà trong lòng người dân. Sự ủng hộ Nga của bà Merkel đã từng được thể hiện tương đối rõ ràng trong cuộc gặp giữa bà và Tổng thống Vladimir Putin tại Sochi hồi tháng 5.
Bà Merkel từng nhấn mạnh rằng cuộc hội đàm với ông Putin diễn ra "mạnh mẽ" và gọi Nga là "đối tác xây dựng", đồng thời bày tỏ hy vọng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ được dỡ bỏ sau khi Thỏa thuận Minsk 2 được thực hiện thành công. Theo bà Merkel, bất chấp những vấn đề đang tồn tại trong quan hệ song phương, Đức và Nga cần phải thường xuyên tiến hành đối thoại để "hiểu nhau hơn".
Cũng trong khuôn khố buổi họp báo thường kỳ, nữ Thủ tướng Đức đã đưa ra những đánh giá tích cực về tình hình tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và đặt nhiều kỳ vọng vào một tương lai kinh tế tươi sáng nơi người dân có nhiều việc làm hơn. Song, bà Merkel lại bày tỏ sự thất vọng khi nói về chính sách nhập cư trên vùng đất này.
"Châu Âu vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh của mình về người tị nạn. Không phải ai cũng sẵn sàng để đảm bảo một sự phân phối hợp lý người tị nạn khi họ đến châu Âu", CNBC trích câu trả lời của nữ Thủ tướng Đức. Lời chia sẻ này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi hãng tin Reuters dẫn nội dung một cuộc trả lời phỏng vấn của bà Merkel với tờ Welt am Sonntag cho biết, bà phủ nhận có bất kỳ sai lầm nào trong chính sách nhập cư. “Nếu được làm lại, tôi vẫn sẽ đưa ra quyết định giống như năm 2015”, bà Merkel nói.
Thủ tướng Đức cũng khẳng định, việc mở cửa biên giới đối với người tị nạn là một quyết định quan trọng và chính xác trong "tình huống nhân đạo ngoại lệ". Bà đồng thời bày tỏ quyết tâm cao trong việc đấu tranh chống nạn buôn người tị nạn bất hợp pháp, và giải quyết triệt để vấn đề di cư, bởi bà tin rằng "các quốc gia châu Âu chỉ có thể sống trong an toàn và thịnh vượng nếu chúng ta cùng hướng đến bức tranh tổng thể".
Vào thời điểm chỉ còn 4 tuần nữa là đến cuộc bầu cử Đức (24-9), một cuộc thăm dò dư luận do Emnid thực hiện cho thấy Đảng Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) thuộc phái bảo thủ của bà Merkel có thể nhận được 38% số phiếu, nhiều hơn Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) thuộc phái trung tả. Điều này có nghĩa bà Angela Merkel hầu như nắm chắc cơ hội tiếp tục giữ chiếc ghế Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.
Ngay tại thời điểm này, truyền thông và công chúng đang theo dõi sát sao từng bước đi trong chính sách của bà Thủ tướng và mang nhiều kỳ vọng rằng bà có thể đủ quyết tâm để vững vàng đưa nước Đức trở nên phát triển hơn nếu tiếp tục đắc cử với vị trí người đứng đầu đất nước.